Một người lớn tuổi đang dùng điện thoại di động – Ảnh: Channel News Asia
Tuy nhiên, hiểu được vấn đề này, một số người trẻ đã chủ động tìm giải pháp giúp người thân lớn tuổi từng bước biết “lọc” thông tin, tránh bị sa bẫy lừa đảo online và phát tán tin giả vốn ngày một nhiều hơn.
Người lớn tuổi cả tin hơn?
Sarah (tên đã được đổi) – cô gái 26 tuổi ở Singapore – một ngày tá hỏa nhận ra cha mình là người thường xuyên đưa ra những bình luận bài ngoại, phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội Facebook.
Sau khi nhìn thấy một thông báo trên điện thoại của cha, Sarah còn biết ông đã theo dõi các trang tin tức và trang Facebook có quan điểm bảo thủ.
Cô gái 26 tuổi bèn giúp cha đăng ký theo dõi thêm các trang tin có quan điểm trung lập và tiến bộ khác để bảng cấp tin của ông được đa chiều và cân bằng hơn.
Cha Sarah cũng mua một số hàng hóa quảng cáo trên Facebook mà không tìm hiểu kỹ về chúng. Ông cũng là người thường xuyên chia sẻ lại cho gia đình những tin giả mà ông cho là đúng. Mỗi ngày ông dành từ 1-3 giờ để lên Facebook.
“Tôi không nghĩ cha mình có khả năng tìm hiểu và kiểm chứng thông tin [trên mạng]. Vì thế, ông sẽ tin những gì đọc thấy trên đó”, Sarah nói với kênh truyền hình Channel News Asia của Singapore.
Nếu trước đây, lúc nhỏ, giống như bao bạn cùng trang lứa, Sarah thường được cha mẹ cảnh báo nên thận trọng khi lên mạng, không được click bừa bãi vào trang nọ trang kia.
Nhưng nay, chính những người trẻ như Sarah lại đang lo lắng cho việc lên mạng của cha mẹ, không biết họ sẽ đọc thấy những gì trên đó: tin giả, quan điểm cực đoan, lừa đảo online và cả những lời chào mời mua hàng kém chất lượng…
Một nghiên cứu năm ngoái của Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) Singapore nhận thấy hơn 2/3 người dân Singapore chưa thể phân biệt rành rẽ giữa tin thật và tin giả, nhất là những người lớn tuổi và những người sống trong các căn hộ chung cư nhỏ.
Trong nghiên cứu đó, các tác giả đã phỏng vấn 2.011 người dân, đưa cho họ xem một bản tin đã được chỉnh sai đi và đề nghị họ xác minh độ tin cậy của nó. Chỉ 32,5% người được hỏi có thể khẳng định bản tin đó không đáng tin.
Các chuyên gia trao đổi với Đài CNA đồng thuận cho rằng các thế hệ lớn tuổi dường như đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thẩm định tin tức trên mạng.
Điều này có lẽ vì các thế hệ cao niên nhìn chung cả tin hơn, trong khi các thế hệ trẻ thì nghi ngờ nhiều hơn, theo quan điểm của phó giáo sư Edson Tandoc Jr của Trường Thông tin và truyền thông Wee Kim Wee, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).
Một người lớn tuổi Singapore (phải) đang được hướng dẫn cách dùng điện thoại di động – Ảnh: Channel News Asia
Ai cũng có thể sập bẫy tin giả
“Có một thực tế thú vị chúng tôi nhận thấy là những người luôn tin tưởng vào truyền thông chính thống xưa nay cũng là những người có xu hướng dễ tin vào tin giả hơn… Và nếu bạn nhìn vào hồ sơ online (profile) của những người tin vào truyền thông chính thống, họ thường là những người lớn tuổi”, chuyên gia này cho biết.
Dù vậy, theo ông Tandoc, điều này không có nghĩa những người trẻ hơn không dễ dính bẫy tin giả. Theo ông, sự tự tin thái quá của người trẻ với công nghệ cũng khiến họ ảo tưởng về khả năng nhận định đúng sai trên mạng.
Còn với người lớn tuổi, theo ông Tandoc, việc thiếu các kỹ năng lên mạng cũng khiến họ dễ bị ảnh hưởng hơn trước nạn tin giả.
Giáo sư Lim Sun Sun, giảng viên về thông tin truyền thông tại ĐH Công nghệ và thiết kế Singapore, cho rằng những người lớn tuổi sống cùng các thành viên trẻ hơn trong nhà sẽ có cơ hội được “các chuyên gia thân thiện” giúp kiểm chứng thông tin.
Tuy nhiên với những người lớn tuổi sống một mình, nhất là những người không có nhiều bạn bè, mối quan hệ xã hội, thì trở ngại rất cơ bản của họ là kiến thức về các nền tảng mạng xã hội, Internet và các thao tác thực hiện trên mạng.
Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Cơ quan An ninh mạng Singapore, những người tuổi từ 55 trở lên nhìn chung không am hiểu mấy và cũng ít áp dụng các biện pháp tăng cường bảo mật trên mạng như dùng mật khẩu đủ mạnh hay áp dụng biện pháp xác thực hai yếu tố.