Những người dân đầu tiên nhận được sự tư vấn thông qua ứng dụng “Giúp tôi!”
Đây là dự án của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và được bảo trợ của Bộ Thông tin – truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch – đầu tư.
Kết nối chăm sóc y tế
“Giúp tôi!” đảm nhận vai trò kết nối những người dân cần giúp đỡ với các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn kịp thời. Người dùng chỉ việc mở app, mô tả vấn đề mình đang gặp phải, từ những biểu hiện liên quan đến COVID-19 tới các bệnh mãn tính như hô hấp, tiêu hóa, xương khớp… Hệ thống sẽ lập tức liên kết người dùng với một bác sĩ phù hợp trong dự án để trao đổi chuyên sâu.
Ở đầu kia, các bác sĩ, chuyên gia có thể bật ứng dụng xem yêu cầu của người dân và sẽ chat hoặc gọi điện video trực tiếp thăm khám. Từ đó, các y bác sĩ có thể giúp thêm được người dân trong mùa dịch dù ở bất kỳ đâu mà không tốn nhiều thời gian.
Ông Hùng Trần – sáng lập dự án “Giúp tôi!” – chia sẻ hiện nay nhiều cơ sở y tế đang có dấu hiệu quá tải. Nhiều bệnh nhân F0 nhẹ hoặc không triệu chứng đang được điều trị tại nhà, trong khi các F1, F2… rất muốn nhận thêm những sự chăm sóc. Chưa kể, nhiều người dân vẫn có nhu cầu được thăm khám các bệnh khác ngoài COVID-19. Số khác lại cần được tham vấn tâm lý để giữ tinh thần qua giai đoạn khó khăn này.
“Giúp tôi!” sẽ góp phần “chia lửa” cho các cơ sở y tế bằng cách huy động mạng lưới chuyên gia ở khắp nơi và kết nối họ với người dân có nhu cầu. Ông Hùng cho rằng một bác sĩ dù đang ở nơi đâu khi tham gia mạng lưới chỉ cần 15 phút là đã có thể trợ giúp cho ít nhất một người dân.
TS.BS Phan Thị Ngọc Linh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế (CHIR), hiện đảm nhận vai trò cố vấn chuyên môn cho dự án. Bác sĩ Linh cho biết vấn đề đặt ra là làm thế nào để những cuộc tư vấn được hiệu quả nhất, tức bên cạnh độ rộng phải có chiều sâu. Vì vậy, các y bác sĩ, các chuyên gia tham gia mạng lưới sẽ được xác minh, sàng lọc thật kỹ. Họ cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo và phải tuân thủ chuẩn mực của một cuộc tư vấn của “Giúp tôi!”. Điều này giúp mọi hoạt động giúp đỡ giữ được chất lượng cao nhất.
4 tuần viết app xuyên lục địa
Thông thường, các nền tảng kết nối thường mất nhiều thời gian để phát triển nhưng “Giúp tôi!” đã xây dựng một cách thần tốc vỏn vẹn trong bốn tuần. Ngay khi có ý tưởng, ông Hùng đã kêu gọi sự chung tay của kỹ sư IT cả trong và ngoài nước. Sau hai ngày phát động, một “đội quân” hùng hậu đã được tập hợp gồm hơn 150 kỹ sư công nghệ thông tin người Việt, trong đó có nhiều chuyên gia đang làm việc tại các công ty hàng đầu thế giới. Ông Hùng Trần cũng là người sáng lập ứng dụng “Got It!” tại Silicon Valley (Mỹ).
Bà Nguyễn Phương Thủy – chuyên gia công nghệ cho một công ty về dữ liệu y tế tại Boston (Mỹ), đồng sáng lập của Tổ chức STEAM for Vietnam – là một trong những người hưởng ứng lời kêu gọi trước tiên. Bà chia sẻ ngay sau buổi họp nhóm lần đầu tiên vào 10h tối ở Mỹ, cả nhóm lao vào dự án một cách hăng say, lập website, tên miền và kêu gọi thêm bạn bè ngay trong đêm.
Tương tự, ông Thăng Lê cũng là một người nhiệt tình hưởng ứng dự án. Hiện bận rộn với vị trí trưởng bộ phận xử lý và quản lý dữ liệu cho một công ty dầu khí ở Texas (Mỹ) nhưng ngay khi được vận động, ông Thăng lập tức tham gia. Suốt gần bốn tuần, ông cùng các anh em IT viết code “xuyên lục địa”. Nhiều đêm các thành viên phải thức trắng chỉ mong app có thể ra đời sớm nhất.
Ông Vũ Quốc Huy, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ để có thể phát triển nhanh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tiếp cận hỗ trợ đa dạng của người dân, là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch – đầu tư, thông qua dự án này NIC sẽ nắm bắt được khó khăn mà người dân đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đó, chúng tôi đề xuất với Bộ Kế hoạch – đầu tư trong tham mưu xây dựng chính sách cho Đảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ nhiều hơn, tốt hơn cho người dân”.
Đáp ứng 300.000 lượt xử lý mỗi ngày
Theo ông Hùng Trần, sau bốn tuần app hiện đã tương đối hoàn chỉnh. “Giúp tôi!” đã lên Google Play hoặc Apple Store và nhận được hàng nghìn lượt tải về và đăng ký. Hiện ứng dụng đã vận hành và những bước cuối cùng để nâng khả năng xử lý lên mức 300.000 lượt mỗi ngày.
“Chúng tôi đã đề nghị hơn 300 y bác sĩ tham gia đồng hành cùng dự án. Chúng tôi kỳ vọng dự án có thể giúp đỡ được nhiều người đang cần trợ giúp về y tế để vượt qua dịch bệnh COVID-19 cũng như đồng hành phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội trong tương lai” – TS.BS Quách Hữu Trung, giám đốc Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), cho biết.