Tin mới nhất

Hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn ra sao?

Hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn ra sao? - Ảnh 1.

Em Nguyễn Vũ Yến Nhi – học sinh lớp 11 Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao, Q.1, TP.HCM – học online tại nhà bằng điện thoại sáng 13-9 – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Ngay khi được phát động tối 12-9, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp lớn, nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ đã công bố ủng hộ máy tính, sản phẩm, chi phí kết nối mạng… lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Theo hai giai đoạn

Để triển khai chương trình, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết đã phối hợp với Bộ GD-ĐT thống nhất xây dựng phương án hỗ trợ các trường, giáo viên, học sinh, sinh viên học trực tuyến. Trong đó sẽ hỗ trợ máy tính, thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.

Làm thế nào để máy tính và những gói cước đến tay những học sinh khó khăn? Đại diện Bộ Thông tin và truyền thông cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức khảo sát và cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và truyền thông về nhu cầu máy tính và Internet cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến, trước mắt là các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Bộ GD-ĐT cũng là đầu mối tiếp nhận đóng góp, hỗ trợ máy tính, kết nối nguồn lực và điều phối nguồn lực để chuyển về các sở, các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục có học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương.

Việc hỗ trợ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là ba tháng trong năm 2021 ưu tiên hỗ trợ máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc, ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến. 

Đến giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể học trực tuyến.

Tặng máy tính, miễn cước phí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chương trình “Sóng và máy tính cho em” gồm ba phần chính là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc hộ nghèo và có giá cước phù hợp cho các máy tính này.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, học trực tuyến tiêu tốn rất nhiều băng thông và sẽ là một chi phí không nhỏ cho các hộ nghèo. Do đó, giá cước viễn thông phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, các nhà mạng đã thống nhất miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc chương trình này.

“Phần còn lại là nhiều em thuộc các hộ nghèo chưa có máy tính. Một chiếc máy tính bảng để phục vụ học trực tuyến, mức tối thiểu có giá từ 2-3 triệu đồng là vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nghèo. Và giai đoạn 1 của chương trình này sẽ kêu gọi 1 triệu máy tính cho các em” – Bộ trưởng Hùng khẳng định.

Các doanh nghiệp công nghệ công bố miễn phí sáu nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam bao gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS. Bên cạnh cam kết ngay trong tháng 9 này sẽ phủ sóng 100% các vùng chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone sẽ chung tay bằng việc miễn phí cước 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian ba tháng để học tập trực tuyến.

Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông này cũng cam kết hỗ trợ trong ba tháng các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Không chỉ gói gọn trong các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chương trình sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc tham gia đóng góp, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết sẽ “vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia ủng hộ, hỗ trợ máy tính cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương”.

Ưu tiên học sinh khó khăn nơi giãn cách theo chỉ thị 16

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có trên 7,3 triệu học sinh các cấp đang phải học trực tuyến do giãn cách xã hội phòng chống COVID-19. Trong số này có khoảng 1,5 triệu học sinh khó khăn tại 26 tỉnh, thành không có thiết bị để học tập trong những ngày đầu năm học mới.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn – bộ trưởng Bộ GD-ĐT, con số trên chưa tính các tỉnh, thành đang dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, dịch bệnh khó lường nên cả các tỉnh, thành đang kiểm soát tốt, học sinh đủ điều kiện đến trường vẫn có thể phải thay đổi chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình ở một thời điểm khác.

Theo đó, con số học sinh khó khăn về thiết bị học tập sẽ nhiều hơn con số thống kê hiện tại. Với trách nhiệm rà soát, điều phối số máy tính được hỗ trợ để học trực tuyến, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết trước mắt sẽ ưu tiên hỗ trợ học sinh khó khăn ở các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 và vẫn đang phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đã phát động cuộc quyên góp, ủng hộ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn trong toàn ngành. Hiện tại một số địa phương đã triển khai mạnh việc này.

Trong tuần đầu tiên của năm học mới, Hà Nội đã quyên góp trên 2.300 máy tính, điện thoại thông minh, với quyết tâm không để một học sinh nào thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Việc rà soát, cập nhật tình hình học sinh khó khăn cần hỗ trợ sẽ tiếp tục được Bộ GD-ĐT thực hiện trong năm học…

VĨNH HÀ

Công nghệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *