Nữ nhà báo kỳ cựu Maria Ressa, người vừa được trao Giải Nobel hòa bình cùng nhà báo Nga Dmitry Muratov – Ảnh: REUTERS
Chỉ một ngày sau khi hai nhà báo Maria Ressa (người Mỹ gốc Philippines) và Dmitry Muratov (người Nga) được trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì nỗ lực đấu tranh cho tự do ngôn luận, một trong những cái tên đã hứng chỉ trích từ họ là Facebook.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Reuters đăng ngày 9-10, bà Maria Ressa – nhà báo kỳ cựu và là người đồng sáng lập trang tin tức Rappler (Philippines), chỉ trích các thuật toán của Facebook “ưu tiên lan truyền những lời nói dối, đi kèm với sự tức giận và hận thù, hơn là ưu tiên lan truyền sự thật”.
Bà Ressa nói rằng Facebook – với hơn 3 tỉ người dùng – đã trở thành nhà phân phối tin tức lớn nhất thế giới, nhưng “họ có thành kiến với sự thật và có thành kiến với báo chí”.
“Nếu bạn không có sự thật, bạn không thể có được lòng tin. Nếu bạn không có bất kỳ thứ gì trong số này, bạn không có được một nền dân chủ. Ngoài ra, nếu bạn không có sự thật, bạn không thể giải quyết các vấn đề đang tồn tại như khí hậu, COVID-19” – bà Ressa chỉ ra.
Bình luận của nhà báo được trao Giải Nobel Hòa bình 2021 đã làm tăng thêm áp lực lên Facebook, sau khi mạng xã hội này hứng nhiều chỉ trích thời gian qua.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 5-10, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal khẳng định Facebook biết các nền tảng của họ gây nghiện như thuốc lá nhưng vẫn phớt lờ vì lợi nhuận.
Đáng chú ý, bà Frances Haugen – cựu nhân viên Facebook, nói rằng “Facebook đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người dùng”.
Bà tiết lộ công ty Facebook đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu cho thấy Facebook và các nền tảng như Instagram có hại cho thanh thiếu niên, nhưng Facebook đã phớt lờ sự việc và tiếp tục với thuật toán cũ vì lợi nhuận.