Google trình làng dự án an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số cho trẻ em Việt Nam – Ảnh minh họa
Ngày 11-10, Google chính thức giới thiệu dự án ‘Em an toàn hơn cùng Google – Be Internet Awesome’ tại Việt Nam.
Chương trình bao gồm bộ giáo trình Be Internet Awesome đa dạng và hoàn toàn miễn phí được chuyển ngữ trọn vẹn sang tiếng Việt, cung cấp trải nghiệm học tập phù hợp với trẻ em xoay quanh năm chủ đề cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số.
Thông qua một trò chơi trực tuyến mang tên Interland với hành trình phiêu lưu về an toàn kỹ thuật số, năm chủ đề nội dung chính với các minh họa dễ hiểu được trình bày một cách rõ ràng, trực quan và màu sắc sống động phù hợp với sở thích các bé.
Đó là các chủ đề:
– Chia sẻ với sự quan tâm (Be Internet Smart) là những gì bạn chia sẻ trực tuyến có khả năng được chuyển tiếp, sao chép và tìm thấy;
– Đừng rơi vào bẫy tin giả (Be Internet Alert);
– Bảo vệ bí mật của bạn (Be Internet Strong);
– Làm điều tử tế thật là tuyệt vời (Be Internet Kind) như chặn hành vi xấu hoặc không phù hợp trực tuyến và sử dụng Internet để truyền bá sự tích cực;
– Khi nghi ngờ, hãy chia sẻ cùng người lớn (Be Internet Brave) đáng tin cậy về bất kỳ điều gì đáng ngờ mà bạn gặp trên Internet.
Bộ giáo trình còn có hướng dẫn sử dụng Internet thông minh gồm các công cụ và tài nguyên giúp các gia đình tìm hiểu, thảo luận về an toàn trực tuyến và quyền công dân tại nhà; 5 mẹo hữu ích về 5 nguyên tắc cơ bản về an toàn trực tuyến: thông minh, tỉnh táo, mạnh mẽ, tử tế, can đảm; mẫu mô hình giấy các nhân vật trò chơi sẵn sàng được tải về dành cho trẻ và phụ huynh cùng khám phá.
Bộ giáo trình mang nhiều nội dung hữu ích không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho các nhà giáo dục và phụ huynh, có thể dễ dàng tải xuống định dạng tài liệu PDF trên website chương trình. Các phụ huynh, giáo viên hay các nhà giáo dục có thể sử dụng giáo trình để tham khảo giảng dạy trên nhiều loại thiết bị điện tử khác nhau.
”Những rủi ro tiềm ẩn ở đời thực với trẻ em như bị bắt nạt, bắt cóc hay xâm hại thì cũng tương tự trên môi trường mạng.
Việc của chúng ta không phải chỉ đơn thuần bảo vệ trẻ tránh xa khỏi những rủi ro mà quan trọng hơn là chúng ta cần trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng để có thể nhận thức được rủi ro và tự bảo vệ mình, đặc biệt trong bối cảnh do đại dịch COVID trường học phải tạm đóng cửa và trẻ em học trực tuyến.
Trước khi nói tới sự phát triển và sự sáng tạo, cần phải đảm bảo an toàn trước nhất” – Nguyễn Hoàng Anh, đại diện Trung tâm Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (C.F.C Việt Nam), cho biết.