Không ít thanh thiếu niên đã “đốt” biết bao nhiêu giờ đồng hồ chơi game trên máy tính như thế này trong những ngày giãn cách/phong tỏa để phòng dịch COVID-19 – Ảnh: GETTY IMAGES
Anh Cam Adair – một người từng nghiện game nhiều năm trước – chỉ nhận ra chứng nghiện video game của mình đã vượt tầm kiểm soát khi nó khiến anh có ý nghĩ muốn tự tử.
“Tôi đã vật vã với nó trong suốt 10 năm trời – thanh niên 32 tuổi người Canada chia sẻ với Đài BBC (Anh) – Tôi đã bỏ học phổ thông, không bao giờ vào được đại học và giả vờ có việc làm để lừa gia đình”.
“Tôi đã viết thư tuyệt mệnh. Nhưng vào cái đêm định mệnh đó, tôi nhận ra mình cần được giúp đỡ. Và giờ thì tôi đã cai nghiện game được 3.860 ngày rồi”, anh tiếp.
Anh Cam Adair hiện là nhà sáng lập tổ chức Game Quitters chuyên hỗ trợ online những người bị nghiện game có mong muốn thoát khỏi thói tật này. Game Quitters hiện có hơn 75.000 thành viên trên toàn thế giới.
Người đàn ông từng nghiện game này cảnh báo một xu hướng rất đáng lo ngại trong thời gian qua.
Theo anh, mặc dù Internet giúp thế giới tiếp tục vận hành bình thường ở một mức độ nào đó trong lúc nhiều nơi phải phong tỏa, giãn cách phòng dịch COVID-19, song tình thế ấy cũng khiến những người có tình cảnh giống anh gặp nhiều khó khăn hơn.
“Đại dịch khiến tôi bỏ thời gian nhiều hơn vào xem Twitch (một dịch vụ xem trực tuyến hướng nhiều tới cộng đồng chơi game online) và YouTube”, anh Adair thừa nhận.
“Rất nhiều trong số các nội dung trên YouTube cũng là các tài khoản phát trực tuyến hoạt động chơi game hay là các game luôn, cả hai cái đó đều là những yếu tố dễ gây tái nghiện game trở lại. May mắn khi tôi đã có thể thoát được bẫy tái nghiện đó, nhưng tôi biết nhiều người trong cộng đồng Game Quitters tiếc thay đã tái nghiện game trong dịch COVID-19”, Adair nói.
Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ xếp chứng lệ thuộc/nghiện game là một phần của chứng nghiện Internet.
Tiến sĩ Andrew Doan, nhà thần kinh học và là chuyên gia về chứng nghiện liên quan nền tảng số, đồng ý cho rằng các lệnh phong tỏa, giãn cách phòng dịch đã khiến tình trạng nghiện game, nghiện Internet trầm trọng hơn.
“Đại dịch làm tăng căng thẳng (stress) trong đời sống con người, và cách tiện lợi để thoát khỏi căng thẳng là sử dụng truyền thông giải trí số như chơi game hay dùng mạng xã hội”, ông phân tích.
“Việc lạm dụng quá mức để xả stress này là nhân tố nguy cơ dẫn tới phát sinh các hành vi gây nghiện”, chuyên gia Andrew Doan cảnh báo.
Bà Teodora Pavkvic, nhà tâm lý học và là chuyên gia về sức khỏe số tại Công ty Linewise ở San Diego (Mỹ), cho rằng người trẻ là nhóm rất dễ sa đà vào việc dành quá nhiều thời gian lên mạng.
Đây là vấn đề nhận được sự đồng thuận của nhiều bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi vị thành niên.
Bà Teodora Pavkvic lưu ý: “Việc quản lý thời gian online một cách cân bằng và lành mạnh đòi hỏi những kỹ năng nhận thức phức tạp hơn mà thường phải tới 25 tuổi mới phát triển đầy đủ”.
“Các nền tảng online được thiết kế để thu hút tối đa thời gian chúng ta dành cho chúng, và cộng thêm với những nguy cơ khác tiềm ẩn trên mạng, việc trẻ em có thể gia nhập thế giới online một cách chừng mực, an toàn và có trách nhiệm là điều vô cùng khó khăn”, bà nói thêm.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, với người lớn, chứng nghiện Internet còn có thể chồng lấn với chứng nghiện cờ bạc online với sự lan tràn của các ứng dụng và trang web cá độ trực tuyến.