Tin mới nhất

Hàn Quốc phạt Google 176 triệu USD liên quan hệ điều hành Android

Hàn Quốc phạt Google 176 triệu USD liên quan hệ điều hành Android - Ảnh 1.

Google vướng vào rắc rối ở Hàn Quốc vì cáo buộc chống cạnh tranh – Ảnh: Bloomberg

Trong thông báo ngày 14-9, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) cho biết cơ quan này đã điều tra các cáo buộc Google lạm dụng thế thống lĩnh để ngăn cản các nhà sản xuất như Samsung sử dụng hệ điều hành Android tùy chỉnh của các đối thủ.

“Quyết định của KFTC là một biện pháp có ý nghĩa, đem lại cơ hội khôi phục sức cạnh tranh trong tương lai của các thị trường chợ ứng dụng và hệ điều hành di động” – Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo KFTC Joh Sung Wook nói.

Theo cơ quan này, Google cản trở sự cạnh tranh trên thị trường bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tuân thủ “thỏa thuận chống phân mảnh (AFA)” khi ký các hợp đồng quan trọng với Google liên quan đến các giấy phép của cửa hàng ứng dụng. 

AFA quy định các nhà sản xuất điện thoại di động trong nước không được phát triển và cài đặt bất cứ hệ điều hành di động nào của riêng mình dựa trên nền tảng Android.

KFTC cho rằng quy định này đã giúp Google củng cố vị thế thống trị thị trường của mình và phá hoại động lực phát triển hệ điều hành mới.

Phản ứng sau đó, Google cho biết sẽ kháng cáo, nói rằng quyết định của KFTC đã bỏ qua tính tương hợp của hệ điều hành Android với nhiều chương trình khác và ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng.

Đây là rắc rối pháp lý mới nhất liên quan tới vấn đề chống độc quyền mà Google phải đối mặt ở Hàn Quốc. Đầu tháng này, Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật nhằm hạn chế việc thu phí “hoa hồng” từ các kho ứng dụng lớn như của Apple, Google, cấm những công ty sở hữu cửa hàng ứng dụng thống trị thị trường bắt các nhà phát triển ứng dụng phải dùng hệ thống thanh toán độc quyền của họ.

Điều này đồng nghĩa nhà phát triển ứng dụng di động tại Hàn Quốc được quyền chọn bên thứ ba trong việc thanh toán. Luật mới cũng cho phép Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các công ty quản lý kho ứng dụng bảo vệ quyền lợi người dùng, kiểm tra và xử lý các tranh chấp liên quan đến thanh toán.

Thời gian qua, những ông lớn như Apple, Google bị chỉ trích vì yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng nộp mức phí “hoa hồng” 30% cùng những điều kiện phức tạp nếu muốn kinh doanh ứng dụng trên App Store và Play Store.

Công nghệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *