100% cơ sở y tế huyện trong cả nước được kết nối với c ác bệnh viện tuyến trung ương qua nền tảng Telehealth của Viettel – Ảnh: ĐỨC HUY
Đồng thời, Bộ Thông tin và truyền thông cũng chính thức khai trương Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia.
Với việc kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% huyện, tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước sẽ được các bệnh viện Trung ương hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia trải nghiệm cùng các bác sĩ tuyến trung ương, trực tiếp chứng kiến các chuyên gia, bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương tư vấn cho các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Thông tin và truyền thông thành lập trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 và chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ, phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng và kết nối nền tảng telehealth.
Đánh giá đây là những nỗ lực hiệu quả góp phần vào chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang từng bước hoàn thiện thông điệp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chống dịch hiệu quả hơn, từ Thông điệp 5K tiến tới Thông điệp “5K + vắc-xin + thuốc” và bây giờ là Thông điệp ” 5K + vắc-xin + thuốc và công nghệ”.
Thủ tướng yêu cầu hai bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế cùng các tập đoàn công nghệ tiếp tục hoàn thiện quy trình của nền tảng telehealth để phát huy tối đa hiệu quả, không chỉ trong điều trị bệnh nhân COVID-19, mà sau dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoàn thiện để điều trị chẩn đoán nhiều bệnh khác.
Chỉ trong hơn hai ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối vào nền tảng telehealth do Viettel xây dựng và đã đưa vào hoạt động từ tháng 4-2020.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hơn 300 trung tâm y tế huyện cuối cùng trong cả nước chưa được kết nối chiếm 45% số huyện trong cả nước và đa phần là những huyện khó khăn. Việc kết nối các huyện còn lại vào hệ thống telehealth chỉ trong hơn hai ngày của Viettel và VNPT, theo Bộ trưởng Hùng, là “bởi vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt nam, những doanh nghiệp nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận”.
Ngay tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện kết nối hệ thống telehealth với Bệnh viện Cần Giờ TP.HCM, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.
Qua thực tế, các bác sĩ đánh giá: Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng nhanh.
Được biết, Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình Chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống.
T. HÀ