Một bảng thống kê mô tả về các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền của các nhóm tin tặc trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ với cột đầu là tên gọi ký hiệu mã độc tấn công, cột 2 là ngày xảy ra vụ việc, và cột cuối là số tiền chuộc phải trả cho tin tặc tính bằng triệu USD – Ảnh: US TREASURY
Cụ thể, theo chuyên trang công nghệ Record, báo cáo do cơ quan điều tra tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ (gọi tắt là “FinCEN”) công bố ngày 15-10 cho biết họ đã xác định được khoảng 5,2 tỉ USD trong các giao dịch thanh toán bằng bitcoin có liên quan tới những khoản trả tiền chuộc cho tin tặc.
FinCEN cho biết số liệu công bố trong báo cáo của họ được tập hợp từ việc phân tích 2.184 báo cáo về hoạt động khả nghi do các tổ chức tài chính Mỹ nộp lên trong một thập kỷ qua, từ 1-1-2011 đến 30-6-2021.
Một trong những số liệu gây sốc nhất trong báo cáo này chính là việc 10 nhóm tin tặc dẫn đầu đã thu được khoảng 5,2 tỉ USD bằng bitcoin trong ba năm qua.
Theo FinCEN, tổng số tiền đã phải trả liên quan tới những vụ tấn công bằng ransomware trong 6 tháng đầu năm 2021 là 590 triệu USD, cao hơn nhiều so với tổng thiệt hại ước tính là 416 triệu USD trong cả năm 2020.
Theo FinCEN, thông qua dữ liệu điều tra về các vụ tin tặc tống tiền nửa đầu năm 2021, có thể thấy rõ loại hình tội phạm này đang ngày càng đe dọa nhiều hơn với các lĩnh vực tài chính, kinh doanh và dịch vụ công.
Số các hoạt động khả nghi liên quan tấn công bằng mã độc tống tiền đã tăng rất nhanh, từ 635 vụ và 458 giao dịch trả tiền được ghi nhận trong thời gian từ 1-1-2021 đến 30-6-2021, đã tăng 30% so với tổng cộng 487 vụ được ghi nhận trong cả năm 2020.
Mặc dù báo cáo của FinCEN không nói cụ thể loại mã độc tống tiền nào được sử dụng nhiều hơn cả, song danh sách của họ cũng liệt kê những loại đã được báo cáo phổ biến trong các vụ tấn công như REvil/Sodinokibi, Conti, DarkSide, Avaddon và Phobos. FinCEN cho biết đã phát hiện tổng cộng 68 loại mã độc tống tiền khác nhau.