Tin mới nhất

Tự chủ xây dựng thành phố thông minh

Tự chủ xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 1.

Giải pháp xây dựng thành phố thông minh cần phải là của Việt Nam, do Việt Nam làm chủ. Trong ảnh: công nghệ nhận diện khuôn mặt được một số công ty công nghệ ở TP.HCM phát triển thành công – Ảnh: MỸ DUNG

TP.HCM xây dựng thành phố thông minh hướng đến ba mục tiêu cơ bản gồm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và có được môi trường sống bền vững. 

Để đạt được những mục tiêu này, các giải pháp cho các thành phố thông minh đều dựa trên công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.

Xây dựng thành phố thông minh là một quá trình diễn ra liên tục, có thể có điểm khởi đầu, nhưng sẽ không có thời điểm nào là điểm kết thúc. Ở thời điểm ban đầu, các giải pháp công nghệ triển khai xây dựng thành phố thông minh có thể đến từ nước ngoài. Nhưng về lâu dài, việc xây dựng thành phố thông minh phải dựa vào nguồn lực trong nước mới có thể phát triển bền vững.

PGS.TS Phạm Trần Vũ

Của Việt Nam, do Việt Nam

Hiện nay, nhiều nước đã xây dựng thành công thành phố thông minh và TP.HCM cũng có thể tham khảo, học hỏi những mô hình đó để xây dựng thành phố theo tầm nhìn. 

Tuy vậy, tham khảo, học hỏi nhưng không rập khuôn, máy móc vì tình hình thực tế và mục đích xây dựng thành phố thông minh của mỗi nơi là khác nhau. 

Điều đặc biệt, TP.HCM không thể phụ thuộc công nghệ, giải pháp của nước ngoài trong việc xây dựng thành phố thông minh. Giải pháp xây dựng thành phố thông minh cần phải là của Việt Nam, do Việt Nam làm chủ.

Có một thực tế là nhiều nước có tốc độ phát triển đô thị tốt hơn Việt Nam, họ “thông minh” hóa thành phố nhanh hơn nhiều lần chúng ta nên ban đầu khi xây dựng thành phố thông minh nếu chúng ta mua giải pháp của nước ngoài thì độ tin cậy sẽ cao hơn, được nhiều người ủng hộ hơn, vận hành nhẹ nhàng hơn… nhưng hết thời gian ký kết hoặc bảo hành thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro cho thành phố.

Ví dụ, thành phố không thể thay đổi tính năng mới trên hệ thống, khi đối tác không tham gia với thành phố nữa thì giải pháp không còn tối ưu, vận hành sẽ gặp trục trặc… 

Điều này chúng ta đã từng bắt gặp ở một số tỉnh, thành trong nước và cần phải rút kinh nghiệm để TP.HCM tự chủ về công nghệ, về giải pháp.

Để làm chủ công nghệ trong xây dựng đô thị thông minh, TP.HCM cần xây dựng cơ chế thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới trong điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, phát triển các giải pháp về thành phố thông minh có đặc thù của Việt Nam, tiến tới làm chủ công nghệ về thành phố thông minh.

Trước tiên, TP.HCM nên xây dựng một khu đô thị thông minh điển hình trong phạm vi hẹp. Tại khu đô thị thông minh điển hình thử nghiệm này, mọi ý tưởng, sáng tạo, giải pháp đều được chấp nhận thử nghiệm mà không phải xin cấp phép, bỏ qua những thủ tục hành chính rườm rà để tạo điều kiện cho ý tưởng thành sản phẩm, thành công nghệ một cách nhanh nhất.

Việc chúng ta xây dựng TP.HCM trở nên thông minh cũng nên theo hướng giống như Mỹ cho phép thử nghiệm xe tự lái ở một khu vực riêng. 

Tại khu vực riêng đó, tất cả những ai có xe tự lái đều có thể thử nghiệm, không cần phải xin phép. Vì nếu chúng ta không có khu đô thị thông minh điển hình thử nghiệm thì ngay cả mắc một camera ở ngoài đường, các nhà sáng tạo cũng tốn rất nhiều thời gian và đến nhiều cơ quan xin phép mới có thể treo được.

Chẳng hạn, thành phố có thể chọn lựa một khu đô thị nào đó để triển khai thử nghiệm các giải pháp về thành phố thông minh, có thể gọi là khu đô thị thành phố thông minh kiểu mẫu. 

Các thủ tục hành chính cho việc triển khai thử nghiệm các giải pháp công nghệ trong khu đô thị thử nghiệm này có thể được nới lỏng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu có thể triển khai thử nghiệm các giải pháp của họ trong quá trình phát triển, hoàn thiện công nghệ.

Cần một cơ chế riêng phù hợp

TP.HCM vừa là một đô thị lớn và cũng có thể nói là đô thị phát triển nhất ở Việt Nam, do vậy việc triển khai cũng có nhiều thuận lợi và thách thức nhất định. 

Thuận lợi là vì TP.HCM là một đô thị có trình độ phát triển cao so mới mặt bằng chung của cả nước, có tiềm lực kinh tế lớn và khả năng tiếp cận công nghệ mới tương đối dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, thách thức của TP.HCM cũng đến từ quy mô của đô thị. Vì là một đô thị lớn nên việc quản trị phức tạp hơn nhiều so với các đô thị có quy mô nhỏ hơn. 

Để triển khai các giải pháp thành phố thông minh một cách đồng bộ trên toàn thành phố, chi phí sẽ cao hơn, và đi kèm với chi phí và độ phức tạp của việc quản lý, mức độ rủi ro của việc triển khai các giải pháp cũng sẽ lớn hơn. 

Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng các giải pháp riêng đặc thù cho TP.HCM là cần thiết. Để làm được như vậy, TP.HCM cần có cơ chế cho việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các giải pháp thành phố thông minh trong điều kiện thực tế.

Cơ chế là điều quan trọng đối với việc TP.HCM tự chủ công nghệ xây dựng thành phố thông minh. TP.HCM phải tạo cho được cơ chế để đưa các giải pháp đó vào thị trường, có cơ chế khuyến khích về mặt thử nghiệm, ứng dụng trong thực tế. 

Khi có cơ chế chính sách phù hợp và mang tính khuyến khích thì việc làm chủ công nghệ xây dựng thành phố thông minh sẽ không còn khó khăn, việc tập hợp lực lượng sáng tạo sẽ dễ dàng hơn và thành phố có thể hoàn toàn tự chủ trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Triển khai từng phần

Việc tự chủ công nghệ phải là chiến lược lớn, đồng bộ, có hệ thống của thành phố. Nhưng khi thực hiện thì cần triển khai từng phần, từ nhỏ đến lớn. Thành phố cần đầu tư, triển khai các giải pháp công nghệ một cách có chọn lọc, đơn giản trước, phức tạp sau, ưu tiên các giải pháp có lợi ích sớm với cộng đồng.

Tự chủ xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH


PGS.TS PHẠM TRẦN VŨ (trưởng khoa khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) – MỸ DUNG ghi

Công nghệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *