Tỷ lệ lây nhiễm Trojan ngân hàng ở Việt Nam đứng thứ tư Châu Á – Thái Bình Dương – Ảnh minh họa
Theo kết quả nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky về tỷ lệ phân bố lây nhiễm của Trojan ngân hàng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) năm 2021, Philippines có tỷ lệ cao nhất với 22,26%, tiếp theo là Bangladesh (12,91%), Campuchia (7,16%), Việt Nam (7,04%), và Afghanistan (7,02%).
Trojan ngân hàng là một trong những chủng nguy hiểm nhất trong thế giới mã độc. Mục tiêu của mã độc này là lấy thông tin đăng nhập hoặc mật khẩu dùng một lần (OTP) để truy cập tài khoản ngân hàng trực tuyến, hoặc thao túng người dùng để chiếm quyền kiểm soát phiên giao dịch ngân hàng trực tuyến từ chủ sở hữu hợp pháp.
Khi thanh toán trực tuyến được sử dụng ngày càng nhiều và người tiêu dùng chưa có thái độ đúng đắn đối với việc bảo vệ thiết bị của họ, Trojan ngân hàng là một trong những loại mã động tác động mạnh nhất tới người dùng gia đình.
Sau khi phân tích dữ liệu lịch sử từ mạng lưới Kaspersky Security Network (KSN), ông Vitaly Kamluk, trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu (GReAT), Kaspersky khu vực APAC, phát hiện ra rằng việc gia tăng thanh toán không tiền mặt ở APAC đã kéo theo sự gia tăng của Trojan ngân hàng trong khu vực.
Ông cho biết: “Trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, APAC đã là một trong những khu vực dẫn đầu trong việc áp dụng thanh toán số, nhờ sự thúc đẩy của các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Ấn Độ. Đại dịch đã mở rộng đáng kể phạm vi sử dụng công nghệ này – đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á.
Chúng ta đều biết rằng, cách ly xã hội đã buộc mọi người phải chuyển sang giao dịch tài chính trực tuyến. Đó chính là “động lực” khiến Trojan ngân hàng phát triển.
Tuy nhiên, sau khi phân tích các số liệu lịch sử mà chúng tôi có về các mối đe dọa tài chính, chúng tôi cũng biết được rằng đã có một đợt bùng phát khác bắt đầu vào đầu năm 2019 ở khu vực APAC – đợt bùng phát mã độc Trojan ngân hàng”.