Họa sĩ Felipe Yung sử dụng kính thực tế ảo tại một buổi triển lãm tranh graffiti ở Brazil – Ảnh: REUTERS
Metaverse là một thế giới ảo kết hợp nhiều lĩnh vực của công nghệ kỹ thuật số, bao gồm hội thảo truyền hình, trò chơi, tiền điện tử, email, thực tế ảo, mạng xã hội và trình phát trực tiếp (livestream).
Thật khó để mô tả vũ trụ ảo metaverse vì các sản phẩm của nó chưa thực sự tồn tại. Tuy nhiên có thể hình dung metaverse không chỉ có một sản phẩm duy nhất và các công ty trên nền tảng này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau.
Metaverse giống như một thế giới rộng của web 3D, nơi các doanh nghiệp, công cụ thông tin và truyền thông có thể tham gia và tương tác với nhau.
Chẳng hạn, một tác phẩm nghệ thuật ảo được mua của công ty A, có thể hiển thị trên bức tường kỹ thuật số của một ngôi nhà trong trò chơi do Công ty B thực hiện.
Làm gì với metaverse?
Trước hết, người dùng sẽ có một môi trường ảo đa dạng, linh hoạt để làm việc và giải trí. Chẳng hạn, cô Jane sẽ tạo hình đại diện 3D trên Facebook hoặc Microsoft Teams (ứng dụng họp online) và sử dụng nó trong các cuộc họp ảo.
Sau giờ làm việc, Jane tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc ảo với bạn bè và hình đại diện của cô (avartar) xuất hiện giữa hàng trăm khán giả.
Khi Jane muốn mua áo tại một gian hàng ảo giống như khi cô ấy mua trên các trang web thương mại điện tử như Amazon, Asos hoặc Taobao hiện nay, cô thanh toán bằng tiền điện tử và mặc nó trong buổi họp ảo vào ngày hôm sau.
Một đồng nghiệp hỏi mượn áo cho con gái anh để mặc vào buổi tối hôm đó trong trò chơi ảo Roblox và cô Jane đã cho anh ta mượn áo một cách dễ dàng.
Ai được chia “miếng bánh” metaverse?
Nhà sản xuất chip đồ họa máy tính Nvidia cũng như nhà sản xuất phần mềm Unity Software đều muốn nền tảng Omniverse của họ tham gia một số hạ tầng cơ bản của metaverse.
Các nhà phát triển game như Roblox, Epic Games và tập đoàn Microsoft cũng muốn được chia một phần “miếng bánh”.
Tencent cũng đã đăng ký một loạt các nhãn hiệu liên quan đến metaverse cho ứng dụng xã hội QQ của riêng mình.
Thậm chí còn có các tổ chức chuyên gia tư vấn như Dubit có trụ sở tại Anh, sẵn sàng tư vấn giúp các công ty tham gia vào vũ trụ ảo metaverse.
Bên cạnh đó là các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán online, tiền điện tử để hỗ trợ các giao dịch trong thế giới ảo.
Cuối cùng, vũ trụ ảo metaverse sẽ không phát huy hết tiềm năng của nó – hàng triệu người có thể truy cập và sống trong thế giới ảo ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào – nếu không có Internet siêu nhanh.
Đây là lý do tại sao các nhà mạng di động trên thế giới đang chi hàng tỉ USD để xây dựng mạng 5G, thậm chí mạng 6G để thúc đẩy metaverse.