Các nhân viên kỹ thuật, kỹ sư phần mềm làm việc tại một công ty công nghệ ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.
Đây là một trong những ý kiến đáng chú ý tại hội thảo “Chuyển đổi số góp phần tăng trưởng thị trường của doanh nghiệp sau đại dịch” do Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM phối hợp với Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thuộc Trung ương Đoàn tổ chức sáng 9-9.
Bà Nguyễn Thị Yến Ngọc, trưởng phòng bán hàng kênh kỹ thuật số CitiBank Việt Nam, chia sẻ những thống kê trong đại dịch cho thấy những cơ hội rất lớn cho các công ty khi chuyển đổi số đón đầu thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch.
Chẳng hạn, có đến 68,5% người dùng điện thoại ở Việt Nam để mua sắm online, trong đó 83% lên mạng để nghiên cứu sản phẩm trước khi mua. Thói quen này rất khác so với trước đây khi muốn mua món hàng nào bạn thường đến tận nơi lựa chọn.
Hay nhu cầu về giao hàng cũng đã tăng đáng kể sau một năm. Mức độ tìm kiếm về các từ khóa “dịch vụ giao hàng” và “giao hàng trong ngày” đã tăng lần lượt 40% và 30% so với năm trước.
Theo bà Ngọc, các công ty có thể nắm bắt những xu hướng trên để có được chiến lược số hóa kinh doanh để đem lại kết quả tốt nhất. Điều này không chỉ đúng ở thành thị, ngay cả ở nông thôn hiện cũng đã ghi nhận trên 90% người dùng tiếp cận với Internet và tham khảo các kênh bán hàng online nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Yến Ngọc (trái) và ông Vương Quân Ngọc là hai trong số nhiều chuyên gia tham gia hội thảo trực tuyến sáng 9-9 – Ảnh chụp màn hình
Ông Vương Quân Ngọc, giám đốc khối tư vấn công nghệ số FPT Digital, cho rằng đại dịch COVID-19 đã kéo theo sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh ở mọi lĩnh vực.
Trong đại dịch, các doanh nghiệp đã không ngừng số hóa tương tác giữa khách hàng và chuỗi cung ứng, các hoạt động nội bộ với tốc độ rút ngắn từ 3-4 năm. Thậm chí, mức độ đầu tư vào các sản phẩm đã nhanh hơn 7 năm so với điều kiện thông thường.
Dù vậy, ước tính có đến 70% doanh nghiệp gặp thất bại khi thực hiện chuyển đổi số. Nguyên nhân là vì không đạt được sự thống nhất, đồng thuận về tầm nhìn, mục tiêu hay thiếu sự liên kết, hoạch định nguồn lực,…
Theo ông Ngọc, cần xác định chuyển đổi số là một quá trình, không đơn giản là một đích đến. Đó là chặng đường dài cần được liên tục nâng cấp theo sự đi lên hằng ngày của công nghệ.
Vì vậy, số hóa không chỉ là nhiệm vụ của phòng công nghệ thông tin mà cần được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành tố “công nghệ”, “kinh doanh” và “con người” trong một công ty, đơn vị.
Do quá trình dài và phủ rộng như thế, ông Ngọc cho rằng một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công nằm ở người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp.
“Họ cần quyết tâm cho một sự thay đổi lớn, tốn nhiều thời gian, chi phí nhằm nâng cao cách thức làm việc, tương tác và kinh doanh của công ty”, ông Ngọc nói.