Tin mới nhất

Chuyển đổi số: Phải nhanh hơn, mạnh hơn!

Chuyển đổi số: Phải nhanh hơn, mạnh hơn! - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ ba từ phải qua) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng giải thưởng cho những doanh nghiệp đoạt giải cao nhất giải thưởng Make in Vietnam 2021 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng cũng bày tỏ kỳ vọng các doanh nghiệp (DN) công nghệ sẽ cùng với Chính phủ tìm các giải pháp để tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời nhấn mạnh “chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.

“Nhỏ mà có võ”

Trao đổi với các CEO công nghệ, Thủ tướng cho rằng với phần lớn là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các DN Việt thường gặp hạn chế trong cuộc cạnh tranh với các DN nước ngoài lớn trong nền sản xuất đại công nghiệp trước đây. 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, thế giới công nghệ số ngày nay chứng kiến nhiều trường hợp “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không hoàn toàn là “cá lớn nuốt cá bé” như trước.

“Chúng ta “nhỏ mà có võ” vì DN nhỏ sẽ có khả năng thay đổi linh hoạt nhanh hơn, thích ứng cao hơn, phù hợp với xu thế cá nhân hóa, địa phương hóa các sản phẩm số đang diễn ra trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, VN cũng có những DN công nghệ số lớn có đủ tiềm năng, khát vọng và nội lực để sẵn sàng cạnh tranh với các DN nước ngoài” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, Nhà nước đã quyết tâm đồng hành với DN công nghệ số nói riêng và các DN nói chung bằng những hành động cụ thể. 

“Về thể chế, các ngành, lĩnh vực cần tiếp cận theo hướng mở, chấp nhận cái mới, rà soát, sửa đổi, cập nhật hệ thống quy định, chính sách có liên quan để tạo thuận lợi cho các công nghệ số mới, các mô hình kinh doanh mới. Phải cởi mở hơn nữa trong tư duy và hành động mới có thể chuyển đổi số” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải mở dữ liệu để cộng đồng DN công nghệ số có thể khai thác, tạo ra giá trị mới cho người sử dụng và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực. 

“Còn về phía mình, các DN cần làm gì? Tôi cho rằng với lợi thế của mình, các DN công nghệ số cần mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nghiên cứu, phát triển các nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số với chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn nữa, giải bài toán VN là cơ sở để đi ra nước ngoài” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, các DN công nghệ số phải nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. 

“Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng DN. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại tại VN tài nguyên dữ liệu của người VN” – ông Hùng kêu gọi.

Chuyển đổi số là thay đổi trong khâu quản lý, khi có giải pháp công nghệ thuyết phục, cần có cách quản lý thay đổi để việc ứng dụng công nghệ trở nên tốt hơn.

Ông Vũ Minh Trí (phó chủ tịch Công ty IOT Link)

Trước đại dịch COVID-19, chúng ta nói nhiều đến chuyển đổi số nhưng chưa đi đến cùng nhưng sau dịch bệnh, điều này dường như là bắt buộc, nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là thay đổi về mặt tư duy doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Trung (CEO & Founder Sky Mavis)

Cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể…

Cũng tại diễn đàn, CEO các DN công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới của kinh tế số, đều nhận định rằng VN có tiềm năng phát triển kinh tế số cũng như tiềm năng lớn về tài sản số. 

Theo ông Hoàng Minh Quân – CEO Cloudify VN, kinh tế số VN có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, khuyến khích của Nhà nước. 

Khối DN vừa và nhỏ cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng đang gặp khó về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung – CEO và nhà sáng lập start up công nghệ Sky Mavis – cho biết dưới tác động của COVID-19, trong 2 năm qua có sự chuyển dịch lớn về vốn, các loại ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như công nghệ. Trong đó, VN nổi lên như một hiện tượng mới của thế giới công nghệ Blockchain.

“Câu hỏi đặt ra là: Nếu NFT (loại tài sản số hiện diện trên Blockchain) là xu hướng, liệu có phù hợp để phát triển ở VN hay không? VN có vị thế để đuổi kịp các nước về công nghệ. Về khung pháp lý, việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, điện tử khiến trao đổi dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể quản lý các loại hình kinh tế mới?” – ông Trung nêu vấn đề.

Chuyển đổi số: Phải nhanh hơn, mạnh hơn! - Ảnh 4.

Dạy và học trực tuyến cũng là hình thức chuyển đổi số trong mùa dịch. Trong ảnh: giờ dạy học trực tuyến của thầy Nguyễn Duy Tiến (Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội) – Ảnh: HÀ LINH

Do đó, ông Trung đề xuất cần có chính sách rõ ràng với lĩnh vực công nghệ mới, hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển, đào tạo kiến thức công nghệ vào các chương trình đào tạo nhân lực, tuyên truyền đúng đắn về tài sản số. 

Ngoài ra, cần có cái nhìn mới về game trong bối cảnh VN có nhiều công ty làm game, đang hoạt động mạnh mẽ. “Game là loại hình có yếu tố sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển trong tương lai” – ông Trung nhận định.

Ông Hà Trung Kiên – phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ G-Group – chia sẻ trong quá trình chuyển đổi số của các DN Việt thời gian qua có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Vietnam. 

“Các sản phẩm Make in Vietnam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng DN. Bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn. Nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại VN: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian…” – ông Kiên đánh giá.

Theo ông Kiên, các nền tảng số trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của các DN lớn trong nước. Do đó, các DN số VN cần làm thế nào để tập đoàn trong nước hiểu và tin dùng sản phẩm Make in Vietnam. 

Tuy nhiên, theo các DN và chuyên gia, chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề của công nghệ. “Công nghệ vẫn mãi chỉ là công cụ, để chuyển đổi số thành công, điều quan trọng nhất vẫn phải là vấn đề con người” – ông Kiên khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Phải có niềm tin vào sản phẩm Make in Vietnam

Cần phải công bố công khai các bài toán của ngành, lĩnh vực mình quản lý. Phải có niềm tin vào sản phẩm Make in Vietnam của DN.

Trong phiên buổi sáng nay của diễn đàn, qua thông tin tôi nắm được, các DN của VN luôn ý thức chung tay cùng Nhà nước, nhận trách nhiệm lớn lao để giúp giải các bài toán lớn của đất nước như điện, năng lượng, du lịch, nông nghiệp… Vậy tại sao các ngành, lĩnh vực lại không lựa chọn, giao hoặc đặt hàng các DN công nghệ số VN các bài toán lớn?

Việc đặt niềm tin vào các DN công nghệ số VN sẽ khích lệ tinh thần, động lực cho DN sáng tạo, phát triển các nền tảng số quốc gia thống nhất, đồng bộ, tạo ra quy mô người dùng đủ lớn, nâng cao sức cạnh tranh với các nền tảng số nước ngoài.

Đến năm 2030, kinh tế số VN sẽ mở rộng gấp… 11 lần

Theo Bộ TT-TT, trong năm 2021, dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng DN và doanh thu của các DN công nghệ số VN vẫn tăng trưởng gần 10%, đạt hơn 135 tỉ USD. Cộng đồng 64.000 DN công nghệ số VN cũng có nhiều hơn các sản phẩm số tiêu biểu, thứ hạng VN về công nghệ số cũng đã tăng lên.

Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030 VN có sự phát triển nhanh nhất khu vực.

Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng gấp 11 lần hiện tại. Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistics thông minh, du lịch… Đặc biệt, từ 2020 – 2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.

Chuyển đổi số sẽ dẫn dắt phục hồi kinh tế sau dịchChuyển đổi số sẽ dẫn dắt phục hồi kinh tế sau dịch

TTO – ‘Xác định năm 2022 – 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19’, Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày 11-12.

Công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *