Lựa chọn SIM số đẹp có mức giá từ 1 triệu đến 62 triệu đồng tại một cửa hàng MobiFone ở quận 10, TP.HCM – Ảnh: NHẬT THỊNH
Lượng thuê bao di động tại Việt Nam tuy đã phát triển đến mức bão hòa nhưng thị trường mua bán, đấu giá SIM số đẹp vẫn rất sôi động với những phi vụ tiền tỉ diễn ra liên tục.
Mỗi tuần bán 5-6 SIM tiền tỉ
Từ khi có các quy định, song song các biện pháp kỹ thuật mạnh mẽ của nhà mạng, nạn tin nhắn rác đã giảm rất mạnh, trong đó có những tin nhắn “gạ” bán lại số đẹp. Thế nhưng điều này không có nghĩa thị trường mua bán SIM số đẹp đã giảm bớt sự sôi động. N. – chuyên buôn bán SIM số đẹp nhiều năm – cho biết thị trường vừa diễn ra giao dịch các SIM …8797979 với giá 620 triệu đồng, …5333333 có giá đến 999 triệu đồng, …6233333 được bán với giá 430 triệu đồng… “Mỗi tuần có khoảng 5-6 SIM tiền tỉ được giao dịch” – N. chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc mua bán hoặc đấu giá SIM số đẹp hiện nay diễn ra khá đơn giản, người bán có thể rao trên các trang cá nhân hoặc hội, nhóm trên mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc nhờ dịch vụ từ các doanh nghiệp chuyên buôn bán SIM. Người bán chỉ cần đăng thông tin rao bán SIM, những người mua sẽ trả giá bằng các bình luận (comment) hoặc tin nhắn riêng. Khi đã “thuận mua vừa bán”, hai bên sẽ giao dịch với nhau. Người mua trả tiền, người bán “sang tên” thông tin chủ sở hữu SIM theo yêu cầu người mua là xong, không phải thông qua bất kỳ việc thông báo hay đăng ký nào với cơ quan chức năng.
Với cách làm “chuyên nghiệp”, doanh nghiệp buôn bán SIM bên cạnh việc rao giá bán SIM cố định còn có thể tổ chức đấu giá SIM số đẹp. Các phiên đấu giá thường được diễn ra công khai, trực tiếp hoặc đấu giá online. “Các kiểu đấu giá này thường chỉ cần tuân theo luật do sàn quy định, và các giao dịch cũng diễn ra giống như cá nhân rao bán SIM mình đang dùng mà thôi, không thấy cơ quan chức năng nào dính dáng đến”, N. tiết lộ.
Quy định chỉ áp dụng với số chưa phân bổ
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng kho số viễn thông, tên miền Internet (đã có hiệu lực từ 1-6-2021), các mã, số viễn thông có cấu trúc đặc biệt nằm trong quy hoạch kho số viễn thông sẽ được đấu giá công khai quyền sử dụng.
Tuy nhiên, kho số viễn thông đem đấu giá quyền sử dụng được “xem xét, lựa chọn từ kho số viễn thông chưa phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Điều này có nghĩa những số điện thoại di động đã được cấp phát cho nhà mạng hoặc đã được người dùng cá nhân, doanh nghiệp sử dụng không chịu sự chi phối của quy định này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây các đầu số di động được cơ quan chức năng cấp phát trực tiếp cho các nhà mạng di động. Các nhà mạng sau đó cung cấp cho người dùng cuối thông qua các đại lý, hộ kinh doanh. Việc các đại lý, hộ kinh doanh làm thế nào để có được “lô hàng” có nhiều SIM số đẹp nhất không được công khai. Các đại lý này sau đó sẽ bán lại cho các đại lý thứ cấp, các doanh nghiệp buôn bán SIM, người dùng cuối. Mặc dù việc này đã chấm dứt nhưng lượng SIM đến tay người dùng cuối hoặc các doanh nghiệp, cá nhân buôn bán SIM đã là rất lớn, trong đó có SIM số đẹp.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến tháng 10-2021 Việt Nam có gần 124 triệu thuê bao điện thoại di động đang hoạt động. Trong đó, hàng triệu SIM số đẹp đang được các cá nhân, doanh nghiệp tự do mua bán với giá hàng tỉ đồng mà không phải đóng một đồng thuế nào.
Những vụ mua bán SIM đình đám
Năm 2018, SIM số 0909999999 được chuyển nhượng với giá 1 triệu USD, được xem là thương vụ mua bán SIM số đẹp lớn nhất thị trường Việt Nam cho đến nay. Sau đó người này mua thêm siêu SIM 0989999999 với giá 19 tỉ đồng trong năm 2018.
Tháng 6-2020, một thương vụ đình đám khác cũng xảy ra là SIM 0977777777 được một đại gia tại Hà Nội mua với giá 15 tỉ đồng. Năm 2017, V. – một người chơi SIM nổi tiếng miền Bắc – được cho là đã bỏ ra 12 tỉ đồng để sở hữu siêu SIM 0969999999 từ một đại gia kinh doanh vàng bạc, trang sức…