Người dân sử dụng dịch vụ Internet thường xuyên hơn khi phải ở nhà do giãn cách xã hội (ảnh chụp tại một phòng trọ ở TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điểm nổi bật nhất trong gói hỗ trợ này là việc tăng gấp đôi băng thông đối với dịch vụ Internet cáp quang và tặng thêm 50% dung lượng dữ liệu (data) đối với dịch vụ Internet di động (hay còn gọi là dịch vụ 3G, 4G).
Tăng băng thông “có chừng mực”
Khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp quang (kéo dây đến tận nhà) sẽ được tăng gấp đôi băng thông đường truyền, kể từ 5-8.
Chẳng hạn nếu đang sử dụng gói cước dịch vụ Internet cáp quang có tốc độ truy cập 100Mbps sẽ được tăng lên 200 Mbps nhưng giá vẫn không thay đổi. Theo thống kê của Cục Viễn thông, VN hiện có gần 17,3 triệu thuê bao truy cập Internet qua hệ thống cáp quang tới nhà thuê bao.
Tuy nhiên, trước khi thỏa thuận hỗ trợ dịch vụ viễn thông trị giá 10.000 tỉ diễn ra, một số nhà mạng cũng đã chủ động tăng băng thông, thậm chí tăng gấp đôi, để hỗ trợ người dùng trong mùa dịch.
“Do đó việc tiếp tục tăng băng thông từ ngày 5-8 vẫn sẽ diễn ra nhưng có chừng mực do trước đó đã tăng gấp đôi băng thông rồi. Ngoài ra sẽ có thêm những hỗ trợ, ưu đãi khác”, đại diện một nhà mạng chia sẻ.
Các nhà mạng cũng tặng thêm 50% dung lượng cho người dùng di động có sử dụng dịch vụ data (3G, 4G).
Chẳng hạn, khách hàng đang sử dụng gói cước di động có dung lượng dữ liệu được truy cập Internet tốc độ cao (3G, 4G) là 4GB/tháng sẽ được tặng thêm 2GB/tháng, áp dụng cho tất cả các gói cước đang sử dụng hoặc đăng ký gói cước mới.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến nay có hơn 69 triệu thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ dữ liệu sẽ được hưởng ưu đãi này.
Riêng các gói cước VX (vắc xin) – gói cước chung do ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone kết hợp ra mắt nhằm ủng hộ vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 – tiếp tục giảm giá thêm 50%.
Các thuê bao di động ở những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội được tặng 50 phút gọi nội mạng miễn phí…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà mạng cho biết ngoài gói 10.000 tỉ đồng nêu trên, sẽ có thêm hỗ trợ và ưu đãi cho khách hàng, giảm thiểu khó khăn do tác động của đại dịch.
Chất lượng Internet phập phù
Nhiều khách hàng cho rằng các nhà mạng cần có biện pháp bảo đảm chất lượng dịch vụ, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội hiện nay.
Theo phản ánh của nhiều người dùng, chất lượng dịch vụ truy cập Internet thời gian gần đây thường xuyên không ổn định, nhiều thời điểm bị ngắt quãng, làm ảnh hưởng đến công việc…
Hơn 2 tháng nay, tình trạng Internet của nhà chị Hồng Uyên (Q.5, TP.HCM) thường xuyên không còn ổn định như trước.
“Mạng WiFi liên tục bị đứt sóng ngắt quãng làm các hoạt động sử dụng mạng thường xuyên bị gián đoạn. Băng thông có cảm giác bị giảm xuống bởi xem truyền hình Internet hay bị giật, đứng, treo hình, trong khi trước đây rất ổn định. Nhà tôi vẫn phải trả hơn 300.000 đồng tiền cước Internet mỗi tháng nhưng chất lượng như vậy là tệ quá!”, chị Uyên phản ánh.
Chị Kiều Diệp (Q.Gò Vấp) cho biết do Internet ở nhà rất tệ nên chị hầu như không thể làm việc từ xa được.
“Mỗi lần cần họp online với công ty là mạng không chạy được, buộc tôi phải bật 4G trên điện thoại lên để xài đỡ. Gọi lên nhà mạng hỏi thì được trả lời là do tình hình chung hiện nay toàn dân dùng Internet gia đình nên tốc độ bị suy giảm.
Tôi muốn đổi gói cước khác để có thể làm việc được thì nhân viên tư vấn cho biết phải đợi hết thanh toán tháng rồi có người xuống xem đường dây, đặt lại, nhưng tình hình dịch như thế này ai cũng sợ”, chị Diệp cho biết.