Cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy – Ảnh: BLOOMBERG
Trong bài phỏng vấn do Hãng tin Bloomberg đăng tải ngày 7-9, ông Lamy nhận định xu hướng ra quyết sách của Bắc Kinh hiện nay sẽ gây ra lực cản cho nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu các dịch vụ công nghệ số của Trung Quốc, cũng như khiến quốc gia này mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”.
Từng giữ vai trò tham tán thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và tổng giám đốc WTO, ông Lamy có thời gian tham gia trực tiếp vào các chính sách khuyến khích thương mại và đầu tư với Trung Quốc của châu Âu.
Đánh giá về các động thái gần đây của Bắc Kinh, ông Lamy cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đang dần chuyển sang chiến lược kiểm soát nền kinh tế”.
“Ông ấy có quan điểm riêng rằng Trung Quốc cần nhiều liều thuốc hơn nữa để tách khỏi chủ nghĩa tư bản thị trường toàn cầu. Nếu cộng thêm lập trường của Mỹ hiện nay, chúng ta đang có hai động lực gây chia rẽ”, ông Lamy nói.
“Đây rõ ràng là vấn đề về dài hạn, đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ công nghệ – mảng đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai”, cựu tổng giám đốc WTO giải thích thêm.
Ông Lamy thừa nhận ý tưởng châu Âu có thể tự lực mà không cần nền kinh tế Trung Quốc chỉ là “bánh vẽ”, tức là đẹp đẽ nhưng phi thực tế. Cựu lãnh đạo WTO lưu ý các xung đột quan điểm về các vấn đề như Hong Kong hay Tân Cương có thể khiến phương Tây và Trung Quốc xa nhau hơn.
“Các thị trường phương Tây vẫn quan trọng đối với Trung Quốc… Nhưng nếu Mỹ hay châu Âu nói rằng bạn không thể xuất khẩu dịch vụ số cho họ, đây sẽ là vấn đề lớn”, ông nói.
Theo ông Lamy, Bắc Kinh “có thể tự dồn mình vào bẫy thu nhập trung bình” nếu duy trì quan điểm chia tách. Ông cho rằng ngành dịch vụ là “chìa khóa để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, vì thế ngành này cần hoạt động hiệu quả hơn – tức cần khuyến khích cạnh tranh từ nước ngoài.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã nhiều lần công bố các quy định mới nhằm siết kiểm soát đối với các công ty công nghệ.
Điển hình, hồi tháng 4-2021, Trung Quốc đã phạt Alibaba 2,78 tỉ USD vì hành vi độc quyền. Đây được xem là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nền tảng công nghệ đang thống trị thị trường tại đây.
Tiếp đến, các nhà quản lý thị trường Trung Quốc công bố một số sửa đổi quy định đối với các hãng giao đồ ăn công nghệ nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân viên giao hàng vào cuối tháng 7 vừa qua.