Ba đối tượng khách du lịch trong ‘bình thường mới’
Ba nhóm du khách trong thời đại ‘bình thường mới’
Với chủ đề ‘Reimagine Experiences’ (Hình dung lại các trải nghiệm) của diễn đàn SRI GC, các chuyên gia đã dự báo 3 nhóm đối tượng khách du lịch thời đại mới, gồm: Trải nghiệm công nghệ (Wander Must), Khám phá bền vững (Mindful Explorer), và Sống Chậm (Slow Pacer). Trong đó, Wander Must có thể coi là nhóm khách hàng tiềm năng và khá thú vị đối với thị trường du lịch Việt Nam.
Khảo sát mới đây của Visa’s Green Shoots Radar (2021) cũng chỉ ra rằng Gen Y (Millennials) là những người cởi mở nhất về việc du lịch nước ngoài, với 42% trên tổng số người được khảo sát cho rằng họ sẽ đi du lịch khi có thời gian rảnh trong vòng 12 tháng tới.
Như vậy có nghĩa rằng có một lượng lớn khách du lịch bị mắc kẹt ở nhà trong thời gian dài, nên họ sẵn sàng đi du lịch sớm nhất có thể.
Gần đây, khi một số địa điểm đã mở cửa chào đón khách du lịch như Phú Quốc, Đà Lạt, dễ dàng nhận thấy một lượng khách du lịch tăng đột biến trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 11 vừa qua, đặc biệt là các bạn trẻ. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy cơ hội phục hồi nhanh chóng của du lịch trong và ngoài nước.
Wander Must – Công nghệ ‘đẩy’ thăng hoa
Sự ra đời của Metaverse (vũ trụ kỹ thuật số) đã tạo nên một ‘không gian thứ ba’ – nơi có cách thức giao tiếp hoàn toàn mới. Công nghệ là đòn bẩy giúp ngành du lịch của nhiều quốc gia chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, để thu hút sự chú ý của du khách, nhất là nhóm yêu thích trải nghiệm công nghệ Wander Must.
Trong tương lai gần, nhóm Wander Must mong muốn được đáp ứng 3 nhu cầu sau: (1) Tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ trong cuộc sống, (2) Trải nghiệm sự vội vã và (3) Khám phá những niềm vui. Đây chính là các từ khóa quan trọng doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho cơn sốt du lịch ảo, giúp thoả mãn “cơn khát” của những tín đồ mê xê dịch.
National Gallery đã tổ chức triển lãm thực tế ảo song hành Children’s Biennale để mang trải nghiệm du lịch mới lạ cho trẻ em trên khắp thế giới
Theo nghiên cứu của WGSN – công ty dự báo xu hướng toàn cầu, Wander Must là tập khách du lịch có xu hướng đam mê trải nghiệm công nghệ kỹ thuật số. Họ là những người sẵn sàng khám phá lại những trải nghiệm du lịch độc đáo đã từng có trước đó.
Điều này có nghĩa rằng, nếu doanh nghiệp du lịch tận dụng được công nghệ, để ra mắt những trải nghiệm du lịch đột phá và độc đáo so với những trải nghiệm du lịch đã có, thì doanh nghiệp sẽ đáp ứng được mong muốn của nhóm đối tượng này.
Vở kịch tương tác trực tuyến ‘The Curious Case of The Missing Peranakan Treasure’ bán vé trên toàn thế giới
Ở Singapore, triển lãm thực tế ảo song hành Children’s Biennale và vở kịch tương tác trực tuyến ‘The Curious Case of The Missing Peranakan Treasure’ (Sự mất tích bí ẩn của kho báu Peranakan) là 2 trong nhiều ví dụ nổi bật nhất cho việc áp dụng công nghệ để đưa trải nghiệm du lịch thăng hoa.
Nhờ có công nghệ, trẻ em trên khắp thế giới được tham quan triển lãm Children’s Biennale, tham gia games và các câu chuyện minh hoạ đầy lý thú. Cũng nhờ có công nghệ, chỉ cần ngồi ở nhà cũng tham quan được khách sạn Raffles Singapore nổi tiếng, cũng tham gia được vào vở kịch tương tác của Double Confirm Productions và Sight Lines Entertainment.
Doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình như thế nào?
Theo ông Trần Trọng Kiên – chủ tịch Thiên Minh Group – công nghệ thực tế ảo – thực tế ảo tăng cường VR/AR sẽ xuất hiện trong ngành du lịch Việt Nam trong 6-12 tháng tới. Việt Nam cũng đang có nhiều dự án ‘travel by design’, thiết kế bởi những kiến trúc sư hàng đầu thế giới.
Tính đến thời điểm này, Sơn Đoòng (Quảng Bình), Đà Nẵng và Mộc Châu (Sơn La) là những địa điểm đã thành công trong việc số hoá tour du lịch. Các tour du lịch ảo này là chất dẫn để du lịch truyền thống nhanh chóng bùng nổ sau khi COVID-19 được khống chế.
Với 23 địa điểm được hiển thị trên bản đồ hang Sơn Đoòng 3D, du khách sẽ bất ngờ trước vẻ đẹp ngoạn mục bên trong kỳ quan lớn nhất thế giới
Doanh nghiệp Việt đã và đang sử dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh bắt kịp xu hướng du lịch mới. Bên cạnh đó, để đạt được những thành tựu lớn hơn, lao động trong ngành du lịch vẫn cần kiên định, tận tâm và không ngừng cố gắng.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành, kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam sẽ có sự phục hồi tốt nhất trong năm 2022.