Các kỹ thuật viên sửa chữa máy khai thác bitcoin tại một cơ sở ở Ordos, Nội Mông, Trung Quốc, hồi năm 2017 – Ảnh: BLOOMBERG
Mặc cho các nỗ lực siết kiểm soát của chính quyền, anh Ben vẫn tiếp tục công việc khai thác tiền ảo bitcoin của mình tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thấp thỏm mỗi ngày không biết bao giờ mình bị bắt.
Giống như những người lén khai thác tiền ảo khác tại Trung Quốc, Ben (tên nhân vật đã được thay đổi) buộc phải “sáng tạo” hơn để né cơ quan quản lý.
Theo Đài CNBC, Ben đã chia các thiết bị khai thác tiền ảo của mình ra nhiều địa điểm khác nhau để không cơ sở nào tiêu thụ quá nhiều điện, gây chú ý với chính quyền.
Ben bắt đầu khai thác tiền điện tử từ năm 2015. Hiện anh đã có một nghìn điểm khai thác tiền ảo rải rác khắp Trung Quốc.
Ben còn tìm cách giới hạn hóa đơn tiền điện nhiều hơn bằng cách “câu” điện trực tiếp từ các nguồn điện nhỏ tại địa phương, không kết nối với các lưới điện chính. Anh cũng che giấu dấu vết hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số nhiều nhất có thể.
Nếu bạn bè có dư ra một chút nguồn điện, bất kể ở đâu, Ben cũng sẵn sàng đưa máy móc tới đặt cơ sở. Đặc biệt, phần lớn lượng điện các cơ sở khai thác tiền ảo của Ben dùng đều lấy từ thủy điện.
“Chúng tôi không bao giờ biết chính phủ sẽ còn làm tới mức nào… để loại bỏ chúng tôi”, Ben nói.
Một cơ sở khai thác tiền ảo tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc – Ảnh: AFP
Giống như Ben, nhiều người khai thác tiền ảo khác cũng lợi dụng những biện pháp tương tự để né chính quyền.
Bắc Kinh đã bắt đầu tìm cách loại bỏ tiền ảo khỏi thị trường nội địa từ tháng 5 năm nay, sau đó tăng gấp đôi số lệnh cấm khai thác tiền ảo vào tháng 9 và tháng 11 vừa qua.
Dù vậy, nhiều nguồn tin nói với CNBC khoảng 20% số người khai thác bitcoin (một loại tiền ảo phổ biến) của thế giới vẫn nằm ở Trung Quốc.
Trong báo cáo hồi tháng 11, công ty an ninh mạng của Trung Quốc Qihoo 360 ước tính nước này mỗi ngày có trung bình 109.000 địa chỉ IP khai thác tiền ảo. Đa số những địa chỉ này nằm ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông.
Một phần nguyên nhân là vì nhiều người vẫn nuôi hy vọng Bắc Kinh sẽ nới lỏng kiểm soát một ngày nào đó.
Thực tế là dù liên tục siết quy định đối với các loại tiền ảo, chính quyền Trung Quốc vẫn phần nào nới lỏng kiểm soát sau một thời gian.
Thế nhưng, CNBC nhận định đợt siết kiểm soát hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với những lần trước.
Một là Trung Quốc đang thiếu điện trầm trọng và buộc phải cắt điện tại nhiều nơi. Điện lại là nguồn năng lượng thiết yếu cho hoạt động khai thác tiền ảo.
Bắc Kinh từng tuyên bố hoạt động khai thác tiền ảo đang ngáng đường các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc. Quốc gia này đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.