Tin mới nhất

Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Đô thị kết nối đổi mới sáng tạo

Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Đô thị kết nối đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM cũng được xếp vào nhóm “NODE” (National Open Digital Ecosystem – Hệ sinh thái số mở quốc gia), có chiến lược và kế hoạch phát triển đúng đắn. Bài viết này sẽ trình bày một số giải pháp tiếp cận nhằm thúc đẩy các hoạt động của TP.HCM, nhất là trong các lĩnh vực như năng lực đổi mới sáng tạo và tiềm năng kinh tế, để vươn lên trở thành một “HUB” (thành phố trung tâm) hay thậm chí là một “NEXUS” (đô thị kết nối).

Nguồn lực con người

Vốn nhân lực là tài sản quan trọng nhất với mọi loại hình phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, nguồn lực con người nên được huy động từ mọi nguồn có thể – trong nước, nước ngoài, cộng đồng người nước ngoài đang sống ở Việt Nam – để cùng nhau giúp TP.HCM vươn lên trong sự kết nối đổi mới sáng tạo của thành phố.

Để làm vậy, lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, giới học giả và tất cả các bên liên quan cần hợp tác và tạo ra một văn hóa hợp tác đổi mới sáng tạo, những tư duy bền vững và những chiến lược tốt nhất để chào đón các tài năng trong đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ đến với TP.HCM. Cơ chế quản lý cũng nên có sự thích ứng đặc thù với đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu xã hội bao quát hơn. Giáo dục phải trở thành nơi nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững.

Đồng sáng tạo

Để có thể thăng hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo, chúng ta cần tạo ra nhiều phòng thí nghiệm đồng sáng tạo về đô thị thông minh, không chỉ tại trung tâm thành phố mà còn ở các khu vực vùng xa và vùng lân cận. Thành phố nên tổ chức các đợt báo cáo về những vấn đề cần giải quyết và đặt hàng các giải pháp đột phá đi kèm những kết nối thực sự với các nhà đầu tư. Những công nghệ đổi mới sáng tạo này có thể tạo ra sự đồng sáng tạo xuyên biên giới vì nhiều chuyên gia Việt Nam đang sống tại nước ngoài rất sẵn lòng muốn đóng góp cho sự phát triển bền vững của TP.HCM.

Vì TP.HCM hiện cũng đã là trung tâm của công nghệ sinh học (biotech), công nghệ y khoa (medtech), công nghệ cao (high tech) rồi, do đó chúng ta nên tập trung vào khía cạnh bền vững vì điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM về lâu dài. Đợt vận động tiếp theo của thành phố nên tập trung cho những thách thức và giải pháp về các vấn đề: phát thải khí CO2, quy hoạch giáo dục hậu COVID-19, hạ tầng IT cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), xóa bỏ khoảng cách bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập cao và thấp, các ứng dụng thông tin địa lý trên nền tảng mạng 5G mới, robotics và tự động hóa.

Cần dành một nguồn ngân sách đáng kể cho các giải pháp này. Có thể nhìn vào Thụy Sĩ như một ví dụ về quốc gia đứng số 1 về đổi mới sáng tạo trong 11 năm qua. Trong và sau đại dịch COVID-19, trong khi nhiều nước cắt giảm nguồn lực và vốn, Thụy Sĩ lại tăng và đầu tư lớn hơn nhiều vào khoa học, giáo dục và công nghệ.

Tại Thụy Sĩ, việc cấp vốn cho các nghiên cứu có thể từ các nguồn quỹ trong nước, các quỹ tư nhân, các tập đoàn lớn, từ chính phủ hoặc từ nước ngoài. Năm 2019, trước COVID-19, các công ty tư nhân đã rót vốn 1,4 tỉ franc Thụy Sĩ vào các nghiên cứu khoa học. Điều đó cho thấy đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu khoa học là một quy trình đúng đắn cho con đường dài hạn.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cần liên tục thích ứng với thị trường quốc tế hậu COVID-19 và môi trường quản lý thay đổi mạnh mẽ. Nền kinh tế tuần hoàn nên là ưu tiên cao nhất trong mọi kế hoạch phát triển, có lẽ TP.HCM cần sự chuyển dịch hướng tới các phương thức sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Các nhà hoạch định chính sách TP.HCM nên đưa ra các chỉ số rõ ràng về ngắn hạn (tới năm 2025) và dài hạn (tới năm 2030), tỉ lệ bao nhiêu % vật liệu sản xuất được tái sử dụng và tái chế, bao nhiêu năng lượng xanh có thể tạo ra và đưa vào sử dụng trong nền kinh tế đó. Thông tin này nên được phổ biến tới cộng đồng và các chuyên gia bên ngoài cũng có thể kiểm chứng để đảm bảo chính quyền thành phố đang đi đúng lộ trình.

Rốt cuộc thì mọi chiến lược đều do con người thực hiện, và đó là lý do vì sao mà chương trình giáo dục dành cho mọi nhóm dân cư, tổ chức và nhất là các nhà lãnh đạo chính là vấn đề mấu chốt. Công nghệ sẽ không phải chuyện cốt lõi, mà chính là nhận thức, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp, mới là vấn đề thách thức ở đây. Theo đó, để có một nền kinh tế tuần hoàn, thành phố nên tập trung vào các vấn đề: nâng cao nhận thức và chương trình giáo dục; ưu tiên các lĩnh vực mà trước hết với nông nghiệp, nhựa, dệt may và sau đó là xử lý công nghiệp hướng tới phát triển bền vững; chứng minh các chỉ số thành công và theo sát chúng.

Nhiều tiềm năng

TP.HCM có quá nhiều tiềm năng để phát triển thành một thành phố đô thị kết nối (NEXUS) về đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, một câu hỏi chính là làm thế nào chúng ta có thể tạo ra sự đổi mới sáng tạo hiệu quả và bền vững? Đây chính là chỗ mà các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các tài năng đồng hành với nhau. Nó không nhất thiết phải là một công nghệ mới, nó có thể là những cách thức mới trong tổ chức con người, các tài năng, các quá trình giải quyết mới, các thị trường mới, song tất cả cần tập trung cho sự phát triển bền vững.

Diễn đàn “Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM”, do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức với sự phối hợp tổ chức cùng báo Tuổi Trẻ, Hội Tin học TP.HCM (HCA), diễn ra từ ngày 22-11-2021 đến hết ngày 30-12-2021. Mọi bài viết xin gửi về: [email protected].

Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Đô thị kết nối đổi mới sáng tạo - Ảnh 4.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH


TS QUY VÕ-REINHARD (đồng sáng lập, giám đốc Công ty dHealth Foundation tại Thụy Sĩ) – D.KIM THOA chuyển ngữ

Công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *