Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya tiết lộ Nga và Mỹ đã đồng ý thông báo cho nhau các sự cố không gian mạng – Ảnh: AFP
Theo báo New York Times ngày 31-10, việc trao danh sách tin tặc diễn ra sau nhiều cuộc đàm phán bí mật giữa cố vấn Nhà Trắng về công nghệ mới nổi và không gian mạng, bà Anne Neuberger, với người đồng cấp Nga.
Một quan chức giấu tên nói với báo New York Times động thái này của Mỹ giống như một phép thử với Nga.
“Mỹ đang chờ xem liệu danh sách tin tặc đó có dẫn tới các vụ bắt giữ hay không. Đây là một phép thử mức độ nghiêm túc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì ông ấy đã tuyên bố thúc đẩy chiến dịch truy quét tin tặc tấn công bằng mã độc và các tội phạm trên mạng khác”, New York Times dẫn lời vị quan chức ẩn danh.
Không lâu sau bài viết của New York Times, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya cho biết Nga và Mỹ đã đồng ý thông báo cho nhau về các mối đe dọa an ninh mạng tiềm tàng.
Ông Nebenzya không xác nhận hay phủ nhận việc Mỹ đưa danh sách tin tặc cho Nga. Theo đại sứ Nebenzya, Matxcơva đã nhiều lần đề nghị Mỹ tổ chức “một cuộc đối thoại có ý nghĩa về an ninh mạng” nhưng bị từ chối.
“Giờ thì hai bên đã bắt đầu tái khởi động và chúng tôi đang có một cuộc đối thoại về an ninh mạng. Theo tôi biết thì hai nước đã đồng ý thông báo các sự cố không gian mạng mà cả hai cùng quan tâm”, Hãng thông tấn TASS dẫn lời đại sứ Nebenzya.
Theo New York Times, cuộc đàm phán của bà Neuberger là sự kiện “sâu sắc nhất” giữa hai bên trong nhiều năm qua, tiếp nối chuỗi các tiếp xúc sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga hồi tháng 6 năm nay tại Thụy Sĩ.
Kể từ đó, các quan chức Mỹ đã có 3 chuyến đi đến Matxcơva và gặp những người đồng cấp Nga tại một số quốc gia trung lập khác như Phần Lan, Thụy Sĩ.
Những cuộc đàm phán thường diễn ra trong không khí căng thẳng và không đem lại kết quả thực chất. Tuy nhiên theo các quan chức hai bên, chúng có tác dụng kiềm chế, giúp căng thẳng Mỹ – Nga không vượt tầm kiểm soát.
Theo báo New York Times, đối với Nhà Trắng, các cuộc đàm phán với Nga là một cách để quản lý những bất ngờ về địa chính trị có thể làm chệch hướng các ưu tiên đối ngoại và đối nội của Tổng thống Joe Biden.
Quan hệ Mỹ – Nga đang ở mức thấp kể từ sau chiến tranh Lạnh vì một loạt vấn đề, trong đó nổi cộm là các vụ tấn công mạng mà Washington cáo buộc Matxcơva đứng sau.
Theo tập đoàn Microsoft của Mỹ, những vụ tấn công mạng bằng mã độc xuất phát từ lãnh thổ Nga đã tái diễn vào đầu tháng 10 này sau một mùa hè tạm lắng.