Youtube đóng hai kênh tiếng Đức của đài RT, khiến Nga dọa trả đũa – Ảnh: AFP
Ngày 28-9, Youtube nói với truyền thông Đức rằng họ đã cảnh báo đài RT vì vi phạm nguyên tắc thông tin về COVID-19, sau đó đóng hai kênh tiếng Đức của đài này là RT DE và Der Fehlende Part vì vi phạm điều khoản người dùng.
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Youtube “hành động gây hấn”, đồng thời cho rằng chính quyền Đức đứng sau vụ việc.
“Việc áp dụng các biện pháp trả đũa đối với truyền thông Đức ở Nga không chỉ phù hợp, mà còn cần thiết”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố vào ngày 29-9.
“Chúng tôi tin rằng các biện pháp trả đũa là cách duy nhất có thể thúc đẩy đối thoại về tình huống không thể chấp nhận được này”.
Cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor dọa hạn chế truy cập vào Youtube ở Nga, đồng thời cáo buộc Youtube “kiểm duyệt” nội dung.
Roskomnadzor cho biết đã gửi thư tới chủ sở hữu Youtube là Google để “yêu cầu dỡ bỏ mọi hạn chế” đối với hai kênh RT DE và Der Fehlende Part càng sớm càng tốt.
Cơ quan này cũng nói động thái của Youtube “vi phạm nguyên tắc chính của việc đưa tin tự do”. Theo đó, Roskomnadzor cho rằng “luật pháp quy định có thể chặn toàn bộ hoặc một phần truy cập” nếu Google bỏ qua những cảnh báo của họ.
Điện Kremlin đã nhiều lần cáo buộc các phương tiện truyền thông nước ngoài can thiệp vào chính trị Nga, bao gồm lưu trữ nội dung ủng hộ nhân vật đối lập đang ở tù Alexei Navalny.
Trước cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa 8 diễn ra vào ngày 20-9 (giờ Mátxcơva), cơ quan Roskomnadzor đã chặn hàng chục trang web liên quan đến Navalny.
Tòa án Nga đã phạt các nền tảng không hợp tác, bao gồm Twitter, Google và Facebook, đồng thời giảm tốc độ truy cập của Twitter vào tháng 3 năm nay.
Theo Hãng tin AFP, đài RT ra mắt vào năm 2005 với tên gọi Russia Today, bao gồm mạng truyền hình và trang web tin tức bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Arab.
Mỹ từng yêu cầu đài RT đăng ký là “cơ quan nước ngoài” vào năm 2017. Ở Anh, các nhà chức trách từng dọa thu hồi giấy phép phát sóng của đài này vào năm 2018.
Đài RT bị cấm ở một số quốc gia, bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ là Lithuania và Latvia.