Ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – trao đổi về ứng dụng “Y tế HCM” tại buổi họp báo tối 15-9 – Ảnh: ĐAN THUẦN
Sau khi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM công bố ứng dụng “Y tế HCM” là ứng dụng thống nhất hỗ trợ người dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, đông đảo người dân đã tải ứng dụng về máy nhưng nhiều người “té ngửa” khi thấy thông tin về mình hiển thị trên màn hình ứng dụng.
Ở nhà khỏe mạnh bị hiển thị F0
Anh Trần Quân, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết anh chỉ ở nhà, không đi đâu hơn 3 tháng nay nhưng thông tin trên app “kê khai” anh đã khai báo y tế 3 lần tại 3 quận khác nhau vào cùng một thời điểm. Thời gian khai báo là 12h33 – 12h34, ngày 14-9-2021 tại Trạm y tế Bình Tân B – Quận Bình Tân; Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng – Quận Tân Bình; Trạm y tế Phạm Văn Cội – huyện Củ Chi.
Chưa hết, thông tin khai báo sức khỏe của anh Quân cũng được app hiển thị với thay đổi siêu chóng mặt. Theo trình tự thời gian, ban đầu sức khỏe của anh Quân được khai báo là bình thường tại Trạm y tế Phạm Văn Cội – huyện Củ Chi. Nhưng chỉ hơn 20 giây sau, anh Quân đã xuất hiện một loại triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, mất vị, mất mùi, cảm giác mệt, khó thở… khi khai báo tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng – Quận Tân Bình.
Tương tự, chị Thu Phương (ngụ TP Thủ Đức) cũng bị tình trạng người đang khỏe mạnh nhưng bị app “kết luận” là F0.
“Giãn cách xã hội nên tôi ở nhà hơn 3 tháng nay, không đi ra đường, trừ lúc xuống dưới sảnh chung cư lấy mẫu xét nghiệm. Vậy mà app lại hiển thị thông tin tôi đã đi nhiều nơi, tình trạng sức khỏe không khác gì một người nhiễm bệnh”, chị Phương cho biết.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều người khác cũng bị tình trạng ứng dụng hiển thị sai thông tin khai báo y tế.
Thông tin cá nhân F0 dễ bị lộ – Ảnh: ĐỨC THIỆN
Người dùng đánh giá 1 sao
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào trưa 15-9, ứng dụng “Y tế HCM” bị đánh giá chỉ còn 1,4 sao trên kho ứng dụng Google Play cho hệ điều hành Android. Lượng đánh giá 1 sao chiếm đại đa số trong tổng hơn 1.000 lượt đánh giá về ứng dụng này.
Rất nhiều nhận xét của người dùng tỏ ra không hài lòng về việc ứng dụng hoạt động không trôi chảy và thông tin bị hiển thị sai.
Rất nhiều người dùng ứng dụng “Y tế HCM” mấy ngày qua cũng cho biết app thường hay bị treo hoặc truy xuất chậm, thông tin lịch sử xét nghiệm không có dù đã làm rất nhiều lần…
Đặc biệt tính năng tra cứu thông tin F0 trên app khiến nhiều người dùng lo ngại thông tin cá nhân của bệnh nhân dễ dàng bị lộ hoặc bị sử dụng vào các mục đích khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-9, đại diện Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết đã ghi nhận các phản ánh của bạn đọc Tuổi Trẻ Online và đề nghị phía công ty phát triển ứng dụng nhanh chóng khắc phục.
Đại diện sở cũng thông tin tình trạng lỗi hiển thị thông tin nhiều người dùng không chính xác là do quá trình đồng bộ dữ liệu từ cơ quan bộ xuống địa phương, đơn vị phát triển ứng dụng đã xử lý từ hôm qua. Đây là ứng dụng đã có từ trước nên dữ liệu người dùng đã đưa lên trước đó ít nhiều xung đột với dữ liệu từ bộ.
Hiện sở cũng mở kênh tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân và chuyên gia để hoàn thiện ứng dụng tốt và tiện lợi nhất cho người dân TP.HCM.
Ứng dụng Y tế HCM hiện chỉ được đánh giá 1,4 sao trên kho ứng dụng Google Play – Ảnh chụp màn hình
Thông tin từ Giám đốc Sở
Tại buổi họp báo tối 15-9, ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – cho hay ứng dụng “Y tế HCM” không phải là ứng dụng mới mà đã được triển khai trên địa bàn TP từ tháng 1-2021.
Nhưng để đảm bảo yêu cầu chống dịch của TP sau ngày 15-9, sau khi tổng rà soát các ứng dụng, các giải pháp công nghệ thông tin và xin ý kiến Bộ chuyên ngành thì TP thống nhất phát triển ứng dụng “Y tế HCM” thành một ứng dụng thống nhất cho người dân quản lý thông tin của mình một cách tiện lợi nhất.
“Ứng dụng này gom nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, và giúp người dân giảm giấy tờ. Chúng tôi chọn giải pháp phát triển ứng dụng của TP nhằm đáp ứng yêu cầu của TP, ví dụ như bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực cụ thể, tiêu chí thẻ xanh.
Định hướng lâu dài của TP là ứng dụng này không chỉ để phục vụ phòng, chống dịch mà sẽ thành một ứng dụng cho công dân TP.HCM phục vụ các tiện ích cho người dân TP sau khi TP trở lại bình thường mới”, ông Thắng giải thích.