Tin mới nhất

Phiên tòa dẫn độ ‘công chúa’ Huawei kết thúc sau 1.000 ngày

Phiên tòa dẫn độ công chúa Huawei kết thúc sau 1.000 ngày - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu (trái) rời khỏi tòa sau phiên tòa ngày 18-8 – Ảnh: REUTERS

Các phiên tòa nghe xử về việc có nên dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ đã kết thúc tại Tòa tối cao British Columbia của Canada ngày 18-8. Theo quyết định của thẩm phán Heather Holmes, phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 31-10 tới.

Phiên tòa đã kéo dài gần 1.000 ngày, chứng kiến những tranh cãi pháp lý gay gắt giữa các công tố viên đại diện cho chính quyền Canada và nhóm luật sư bảo vệ bà Mạnh. Vụ bắt giữ bà Mạnh vào tháng 12-2018 cũng dẫn tới những căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc.

Các luật sư của bà Mạnh cáo buộc chính quyền Canada đã làm sai luật, nhấn mạnh thân chủ của họ vô tội và chỉ ra có động cơ chính trị đằng sau vụ bắt giữ. Họ yêu cầu tòa ra phán quyết không dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, nơi bà đối mặt với các cáo buộc lách lệnh trừng phạt của Mỹ để làm ăn với Iran.

Đáp lại các lập luận của nhóm luật sư, công tố viên Robert Frater đại diện cho Chính phủ Canada nhấn mạnh phiên tòa xem xét việc dẫn độ bà Mạnh đã diễn ra công bằng. Ông Frater cũng cho rằng các luật sư của “công chúa” Huawei đã thất bại cả về luật và cái gọi là bằng chứng.

Theo Hãng tin Reuters, kể cả khi tòa ra phán quyết chấp thuận việc dẫn độ bà Mạnh, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay bộ trưởng tư pháp Canada.

Trong cả hai trường hợp này, nhóm luật sư của bà Mạnh hoàn toàn có quyền kháng nghị nếu quyết định bất lợi cho thân chủ của họ. Do đó, vụ việc có thể sẽ còn kéo dài thêm vài năm nữa. Nếu bị dẫn độ và kết án tại Mỹ, bà Mạnh có thể đối mặt với bản án 30 năm tù.

Thời điểm bị bắt giữ, bà Mạnh đang là giám đốc tài chính toàn cầu của tập đoàn Huawei. Bà bị cáo buộc đã lừa dối một ngân hàng Mỹ và lập các công ty bình phong để Huawei làm ăn với Iran.

Phía Mỹ cho rằng các hành động này là vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran và yêu cầu Canada bắt giữ khi bà Mạnh đáp máy bay tới Vancouver ngày 1-12-2018.

Sau khi nộp tiền bảo lãnh, bà Mạnh đã được cho về nhà nhưng phải chịu sự giám sát và giới hạn thời gian, địa điểm đi lại.

Các chính trị gia đối lập Canada đã chỉ trích chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau, cho rằng điều kiện của bà Mạnh là quá tốt và quá bất công so với những gì các công dân Canada đang phải chịu tại Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bắt giữ và xét xử ít nhất 2 người Canada chỉ một thời gian ngắn sau khi bà Mạnh bị bắt tại Vancouver. Các chính trị gia Canada cáo buộc đây là một hành động trả đũa và gây sức ép của Trung Quốc nhằm đòi tự do cho bà Mạnh.

Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc bắt công dân Canada làm con tin và yêu cầu Canberra phóng thích bà Mạnh.

Công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *