Chân dung CEO Facebook Mark Zuckerberg và câu hỏi “Có nên xóa bỏ Facebook?” với hai lựa chọn “Cancel” (không) và “Delete” (xóa) – Ảnh minh họa: Tạp chí Time
Khi bạn đọc càng nhiều thông tin, Facebook càng kiếm được nhiều tiền… Và khi người dùng tiếp cận với nhiều thông tin giận dữ hơn, họ phản ứng nhiều hơn, họ càng đọc nhiều hơn.
Cựu nhân viên Frances Haugen vạch trần thủ đoạn lôi kéo người dùng của Facebook.
Những sự cố liên tiếp đánh dấu một tuần đáng quên với cá nhân ông Mark Zuckerberg và có thể tạo một bước ngoặt lớn cho gã khổng lồ công nghệ Facebook. Thậm chí, một chuyên gia còn lên tiếng đòi “xóa sổ Facebook”.
Những tố cáo chấn động
Đầu tuần trước (4-10), Facebook và các ứng dụng của họ là Instagram, WhatsApp gặp trục trặc hơn 6 tiếng vì sự cố kỹ thuật khiến hơn 3 tỉ người dùng không thể truy cập. Ngày 8-10, sự cố tái diễn dù trong thời gian ngắn hơn với khoảng 2 giờ.
Dù Facebook có thể khắc phục hai sự cố kỹ thuật nêu trên trong vòng 24 giờ nhưng họ đã không thể giải quyết nhanh gọn một vụ sự cố khác: phiên điều trần “bom tấn” của một cựu nhân viên quản lý sản phẩm cho Facebook, bà Frances Haugen, trước Thượng viện Mỹ vào hôm 5-10.
Tại Thượng viện, bà Haugen, 37 tuổi, đã trình bày chi tiết trước các thượng nghị sĩ về những vấn đề bất ổn tại Facebook sau 2 năm làm việc ở đó. Trước khi rời Facebook hồi tháng 5 năm nay, bà Frances Haugen đã bí mật sao chép một lượng lớn tài liệu nội bộ của Facebook, sau đó nhờ các luật sư trình đơn kiện lên Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), cáo buộc Facebook che giấu việc họ đã biết về những tác động tiêu cực do nền tảng của mình gây ra.
Trong phiên điều trần, bà Haugen (một nhà khoa học dữ liệu quê ở bang Iowa, Mỹ) dẫn các tài liệu nội bộ tố cáo mạng xã hội Facebook “đặt các khoản lợi nhuận khủng lên trên con người”, gây hại trẻ em và dùng các thuật toán để gây bất ổn nền dân chủ thông qua các nội dung không chính xác và gây chia rẽ ra sao. Ngoài ra, Facebook còn có một cơ chế riêng cho các tài khoản VIP, để các khách VIP mặc sức “tung hoành” trên không gian mạng.
Theo bà Haugen, Facebook hiểu rõ hậu quả của những việc đó nhưng cũng thừa hiểu nếu điều chỉnh thuật toán để nền tảng của họ an toàn hơn với người dùng thì điều đó cũng sẽ khiến người dùng ít “mặn mà” với Facebook hơn, ít “click” chuột hơn, và tất yếu công ty sẽ ít doanh thu hơn.
Ví dụ tiêu biểu nhất bà dẫn ra là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Facebook đã hiểu rõ thuật toán của họ tác động tới dư luận thế nào nên đã “kích hoạt” hệ thống an toàn để hạn chế nguy hiểm và ngăn chặn thông tin kích động chia rẽ, thù địch.
Thế nhưng, ngay khi bầu cử kết thúc, Facebook lật ngược tình thế và thuật toán trở lại độc hại như cũ, ưu tiên cho tăng trưởng lợi nhuận hơn là an toàn – một điều mà bà Haugen mô tả giống như là “sự phản bội nền dân chủ”.
Theo báo Guardian, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã ca ngợi bà Haugen là “người anh hùng Mỹ thế kỷ 21” vì đã dũng cảm công khai những cáo buộc.
Đáp trả lại những cáo buộc của bà Haugen, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã viết một status (dòng trạng thái) dài trên Facebook hôm 6-10. “Lập luận cho rằng chúng tôi thúc đẩy những nội dung khiến mọi người tức giận để kiếm lợi nhuận là vô cùng phi logic. Chúng tôi kiếm tiền từ quảng cáo, và các nhà quảng cáo thì luôn nói với chúng tôi là họ không muốn nội dung của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung có hại và gây phẫn nộ” – ông Zuckerberg nói.
Nói về tác động của mạng xã hội tới trẻ em, ông Zuckerberg khẳng định đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về “những trải nghiệm mà tôi muốn các con mình cũng như những trẻ em khác sẽ có khi lên mạng, và việc mọi thứ chúng tôi xây dựng là an toàn và tốt cho trẻ em là điều rất quan trọng với tôi”.
Bà Frances Haugen điều trần trước Ủy ban Thương mại, khoa học và vận tải của Thượng viện Mỹ ở Washington vào hôm 5-10 – Ảnh: REUTERS
Sửa thuật toán được không?
Trong phiên điều trần, bà Haugen, với 15 năm kinh nghiệm làm việc của một chuyên gia về thuật toán và thiết kế, cũng đã đề xuất với Thượng viện Mỹ những giải pháp cụ thể cần và nên làm để “sửa chữa” Facebook.
Theo đó, bà cho rằng cần để bảng cấp tin (News Feed) của các tài khoản hiển thị tin tức nên xuất hiện theo thời gian tuyến tính (cái gì đăng trước thì hiển thị trước) chứ không phải theo thuật toán; cần có một cơ quan chính phủ để giám sát về công nghệ của công ty mạng xã hội; và cần có sự minh bạch hơn về các nghiên cứu nội bộ của công ty.
Hãng tin Bloomberg cho rằng các thuật toán của Facebook là “quá lớn để sửa” (too big to fix). Dù vậy, những tố cáo của bà Haugen dù sao cũng mang lại những hệ quả tích cực trong việc thúc đẩy giới lập pháp Mỹ xây dựng các điều khoản mới để giám sát, quản lý mạng xã hội này tốt hơn.
Mới nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Guardian tuần trước, dân biểu Adam Schiff của Đảng Dân chủ tại bang California, cũng là chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đồng ý rằng phiên điều trần của bà Haugen sẽ gây đủ áp lực để Quốc hội Mỹ thông qua những điều luật mới quản lý các công ty mạng xã hội. Ông Schiff cho rằng “cần có quy định để bảo vệ dữ liệu riêng của mọi người”.
Giới quan sát cũng cho rằng dường như những gì bà Haugen vạch ra đã tạo được sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về phương án xử trí với Facebook. Thay vì các cuộc tranh cãi qua lại giữa hai phe trong các cuộc điều trần tương tự, tại cuộc của bà Haugen, các thượng nghị sĩ ở hai đảng chỉ xoáy vào các vấn đề như những thuật toán nhập nhèm của Facebook và tác hại của nền tảng này với trẻ em.
“Phiên điều trần của bà Frances Haugen dường như đã đánh dấu khoảnh khắc đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng khi cho rằng tình thế hiện tại là không thể chấp nhận được nữa” – ông Imran Ahmed, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Chống hận thù trên nền tảng kỹ thuật số, bình luận. Theo ông, đây đã trở thành vấn đề phi chính trị.
“Tôi nghĩ đã đến lúc phải hành động. Và tôi nghĩ bà là chất xúc tác cho hành động đó”, thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của Đảng Dân chủ nói với bà Haugen tại phiên điều trần vào hôm 5-10.
Thậm chí, còn có chuyên gia đòi lên tiếng xóa sổ Facebook. Evan Greer, giám đốc Fight for the Future (một tổ chức về các quyền kỹ thuật số), nêu quan điểm trên Twitter: “Hãy tiến lên và xóa sổ Facebook (#DeleteFacebook). Nhưng thực sự là chúng ta cần xóa chủ nghĩa tư bản giám sát. Chúng ta cần làm điều này bằng cách yêu cầu các nhà lập pháp ở DC thông qua dự luật dữ liệu riêng tư, xóa sạch mô hình kinh doanh của Facebook dựa trên việc khai thác dữ liệu của chúng ta và sử dụng chúng để tạo ra những thuật toán thao túng chúng ta”.
Chủ nhân Nobel hòa bình chỉ trích Facebook
Bà Maria Ressa, nhà báo Philippines vừa chia sẻ giải Nobel hòa bình 2021 cùng nhà báo người Nga Dmitry Muratov hôm 8-10, cũng đã lên tiếng chỉ trích gay gắt mạng xã hội Facebook.
Trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters ngày 9-10, bà Maria Ressa cho rằng Facebook đã không thể ngăn chặn tin giả cũng như
các luồng thông tin thù hận trên nền tảng này. Bà cho rằng các thuật toán của Facebook đã “ưu tiên việc lan truyền những thông tin dối trá chứa đầy phẫn nộ và thù hận hơn là những chứng cứ xác thực”.