Thủ tướng chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số – Ảnh: VGP
Ngày 30-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số – phiên họp lần thứ nhất kể từ khi được kiện toàn.
Đánh giá việc chuyển đổi số “có những mặt làm được, mặt chưa làm được”, Thủ tướng đề nghị cần phân tích các vấn đề để có định hướng, “làm việc nào, dứt việc đó”, trước hết là phục vụ phòng chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng thể chế
Nêu quan điểm chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Chính phủ cần đi đầu, dẫn dắt chuyển đổi số, tạo ra thể chế số.
Các mô hình chưa có quy định thì thử nghiệm có kiểm soát, trên cơ sở khung thể chế về việc thí điểm. Chính phủ tạo ra thị trường chuyển đổi số, chi nghiên cứu một số công nghệ nền tảng.
Theo ông, để chuyển đổi số, mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để đạt được điều này, và bộ đang có giải pháp để Việt Nam vào nhóm đầu top 30 về truy cập số.
Với việc hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho hay đây là tài nguyên quốc gia đắt giá, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
Ông đề nghị các địa phương phối hợp Bộ Công an cùng “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch.
Với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi số phục vụ cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng nông sản và cho cả cơ quan quản lý chuyên ngành, mở ra cách nghĩ, cách làm mới.
Trên cơ sở các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần có kế hoạch hoạt động một cách cụ thể, hiệu quả, thiết thực, sát thực tế, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát.
Đánh giá kết quả đạt được, chuyển đổi số với ứng dụng công nghệ giúp phòng chống dịch COVID-19, các hoạt động đời sống kinh tế xã hội, dịch vụ công trực tuyến. An toàn, an ninh mạng được chú trọng, thứ hạng của Việt Nam được cải thiện; xếp hạng Chính phủ điện tử tăng bậc.
Hướng tới người dân, chia sẻ dữ liệu
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, như xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp (xếp thứ 6 trong các nước ASEAN); việc kết nối giữa các nền tảng còn hạn chế; chưa làm tốt việc sử dụng chung dữ liệu, việc triển khai còn vướng mắc.
Từ nhận thức đến hành động còn khoảng cách, cần nhiều thời gian để lấp đầy. Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng chuyển đổi số, nhất là người đứng đầu là nguyên nhân chính khiến chương trình chuyển đổi số còn hạn chế.
Với định hướng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, “không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương vào cuộc, tạo ra sự liên thông.
Trong đó, cần chú ý lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số để mọi chính sách hướng tới người dân, doanh nghiệp. Trong triển khai thực hiện cần có tư duy đột phá, tầm nhìn, bám sát thực tiễn, có trọng điểm trong điều kiện nguồn lực có hạn.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. Theo đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong chuyển đổi số, kích hoạt nguồn lực với 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Gắn với đó, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số, đẩy mạnh thông tin truyền thông. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính.
Để thực hiện hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, triển khai chương trình phát triển công dân số, “một chính quyền số mà không có công dân số thì chính quyền đấy cũng vô dụng”.
Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương, hợp tác quốc tế, chia sẻ dữ liệu, kinh nghiệm, hợp tác để “tránh tình trạng cục bộ, có cái gì thì giữ cái đấy”.