Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại tọa đàm các giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm nay có chủ đề “Chuyển đổi số – động lực phục hồi và phát triển kinh tế” do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại các phiên tọa đàm trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả là CEO các doanh nghiệp công nghệ, startup và các chuyên gia sẽ bàn về doanh nghiệp công nghệ số giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch COVID-19, từ du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế đến năng lượng…
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam.
“Diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, chung tay thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Đức Long đánh giá.
Nền tảng Make in Vietnam là một động lực chuyển đổi số
Các chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực Đông Nam Á – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong tham luận tại diễn đàn, ông Hà Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group, cho biết đại dịch trong hai năm qua tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp, người lao động, 28,2 triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập, 45.611 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất. Hiện các doanh nghiệp lớn đã và trong quá trình chuyển đổi số.
“Thực tế, có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Vietnam – ông Kiên đánh giá – Các sản phẩm Make in Vietnam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn. Nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian…”.
Hiện tại rất nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang dùng nền tảng số nước ngoài, trong khi theo ông Kiên, các nền tảng trong nước có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Do đó, các doanh nghiệp số cần làm thế nào để tập đoàn trong nước hiểu và tin dùng sản phẩm “Make in Vietnam”.
Từ góc độ một startup công nghệ thành công, trả lời câu hỏi về giải pháp, đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, CEO & Founder Sky Mavis, nhận định: các startup ít khi gặp vấn đề chuyển đổi số vì thường là công ty công nghệ, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Chuyển đổi số liên quan đến doanh nghiệp truyền thống nhiều hơn.
“Chuyển đổi số cần quyết tâm và bỏ công sức. Như trước đại dịch COVID-19, chúng ta nói nhiều đến chuyển đổi số nhưng chưa đi đến cùng thì sau dịch bệnh, điều này dường như là bắt buộc, nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là thay đổi về mặt tư duy doanh nghiệp”, CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng, các tập đoàn lớn cũng có rất nhiều bài toán chưa giải được. Đây chính là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ trưởng Dũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn cùng ra đề bài và thậm chí ký hợp đồng với các startup Việt có thể giải quyết bài toán đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu vấn đề với các nhà hoạch định chính sách: chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề của công nghệ, cách thức vận hành của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt.
Theo ông Vũ Minh Trí, phó chủ tịch Công ty IOT Link, chuyển đổi số là thay đổi trong khâu quản lý, khi có giải pháp công nghệ thuyết phục, cần có cách quản lý thay đổi để việc ứng dụng công nghệ trở nên tốt hơn. Còn ông Hà Trung Kiên nhấn mạnh: “Công nghệ vẫn mãi chỉ là công cụ, để chuyển đổi số thành công, điều quan trọng nhất vẫn phải là vấn đề con người”.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp: “Công nghệ chính là tạo ra sự thay đổi, sau đó xuất hiện câu chuyện chúng ta có muốn, có dám về thể chế hóa để cho câu chuyện đó trở nên hợp pháp hay không. Mối quan hệ giữa công nghệ và thể chế là như vậy”.
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số đã trở thành hoạt động thường niên và có quy mô lớn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tại sự kiện này, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” năm 2021 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng đồng thời diễn ra một triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.