Tin mới nhất

Ứng dụng giúp người khuyết tật nhận hỗ trợ ‘kiểu 4.0’

Ứng dụng giúp người khuyết tật nhận hỗ trợ ‘kiểu 4.0’ - Ảnh 1.

Giao diện của ứng dụng NKT trên điện thoại thông minh – Ảnh: HÀ QUÂN

Theo tổng hợp của Cục Bảo trợ xã hội, khoảng 74.000 người khuyết tật, nạn nhân bom mìn đã tham gia dự án thí điểm sử dụng ứng dụng “Đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn” (NKT) tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định. 

Ứng dụng NKT kỳ vọng hỗ trợ khoảng 6,4 triệu người khuyết tật toàn quốc. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm gần 30%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Bình Định, nhiều người khuyết tật không sử dụng ứng dụng NKT. Đơn cử như người khuyết tật bán vé số không “mặn mà” vì hạn chế về thông tin, trong khi người già thì không thể tự đăng ký vì đa số sống dựa vào con cháu, tiếp cận công nghệ thông tin khó khăn.

Lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Bình Định lý giải nguyên nhân nhiều người khuyết tật, nạn nhân bom mìn không “mặn mà” sử dụng là do không có thiết bị thông minh; mạng Internet không ổn định; bà con đã quen với việc đăng ký truyền thống qua đơn; quá trình đăng ký có nhiều đầu mục phải nhập… 

Trong khi đó tại Quảng Bình, ứng dụng NKT cũng không thực sự tối ưu cho người khuyết tật. Nguyên nhân là do các đầu mục đăng ký quá nhiều; số người khuyết tật có thiết bị thông minh thấp; công tác tuyên truyền còn hạn chế… 

Ứng dụng giúp người khuyết tật nhận hỗ trợ ‘kiểu 4.0’ - Ảnh 2.

Nhiều mục đăng ký thông tin gây khó khăn cho người sử dụng – Ảnh: HÀ QUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Cảnh Tùng – trưởng phòng công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) – cho hay ứng dụng NKT còn nhiều hạn chế; việc triển khai còn khó khăn do thiếu trang thiết bị; đội ngũ cán bộ, cộng tác viên công tác trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn còn thiếu kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu; nguồn lực cho hệ thống quản lý còn chưa được quan tâm…

Theo ông Tùng, ứng dụng NKT sẽ được nâng cấp, bổ sung nhiều tính năng mới trong thời gian tới bao gồm cho phép đăng nhập bằng vân tay, tích hợp chatbot hỗ trợ 24/7, khai báo bằng giọng nói, nhận diện khuôn mặt… Đặc biệt nhất là tính năng nhập thông tin mà không cần Internet hoặc kết nối mạng không ổn định. Hiện dữ liệu của người khuyết tật được cập nhật hằng ngày trên ứng dụng NKT. 

Trong khi đó, ông Nils Christensen – cố vấn trưởng dự án “Việt Nam – Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KVMAP) của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) – cho hay phần mềm NKT có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí vận hành, đơn giản hóa và rút ngắn quá trình thu thập dữ liệu. Cán bộ công tác xã hội có thể kiểm tra và xác nhận lại thông tin người hưởng lợi, tránh trường hợp trùng thông tin hoặc sai sót trong việc nhập liệu.

Tuy nhiên, cố vấn trưởng Nils Christensen cho rằng việc nâng cao năng lực cho cán bộ công tác xã hội quan trọng hơn vì không phải người khuyết tật nào cũng có thể tự sử dụng ứng dụng. 

Công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *