Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trải nghiệm hệ thống kết nối khám chữa bệnh từ xa đến các trung tâm y tế huyện – Ảnh: QUỐC HUY
Với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế công bố kết nối đến 100% trung tâm y tế tuyến huyện trong cả nước.
Rất ít người biết được, đây là kết quả nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp viễn thông cả nước: chỉ sau hai ngày “nhận lệnh”, dự án đã được triển khai thành công với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Trong hai ngày, VNPT lập 121 điểm cầu khám bệnh từ xa
Trong đó, đội ngũ VNPT, từ ban lãnh đạo đến các kỹ sư công nghệ đã không quản ngại ngày đêm gấp rút lên phương án và tiến hành kết nối truyền hình từ mạng của VNPT tới mạng của Văn phòng Chính phủ cũng như kết nối sang các nhà mạng khác để hình thành một thể thống nhất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
Một ngày lên kế hoạch, hai ngày hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho hàng trăm cơ sở y tế tuyến huyện còn chưa được kết nối tại 18 tỉnh, thành là những gì VNPT đóng góp vào chiến dịch thần tốc này.
Với việc kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện, từ nay hệ thống y tế cơ sở trong cả nước sẽ được tăng cường năng lực tham gia phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 thông qua việc được các bệnh viện Trung ương hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa.
“Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá.
Để kết nối được số lượng 121 điểm cầu lớn cho 18 tỉnh thành cả nước trong thời gian rất ngắn cùng với dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của VNPT thực hiện phối hợp nhịp nhàng tất cả các đầu mối công việc. Từ công tác bảo hộ lao động, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, quá trình di chuyển qua các trạm, chốt đến việc tính toán, lập kế hoạch chi tiết để kịp thời gian lắp đặt thiết bị tại các điểm cầu mới vốn chưa có hạ tầng công nghệ, một số điểm cầu thi công đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, ở các điểm cầu mới đều không có sẵn thiết bị truyền hình. Với nhận định việc triển khai các điểm cầu thành công, đảm bảo chất lượng, ngoài việc kéo cáp thì thiết bị đầu cuối cực kỳ quan trọng nên vấn đề này luôn được VNPT quan tâm.
Đây cũng là một nỗ lực vượt khó nữa của các đơn vị trong việc huy động thiết bị và đồng bộ thiết bị. Trong quá trình triển khai, một số tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16, nhưng các kỹ sư của VNPT vẫn quyết tâm huy động mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của bệnh viện, kể cả đề nghị triển khai thêm điểm cầu, chuyển vị trí các phòng hội chẩn vào các khu điều trị đang có bệnh nhân COVID, thay đổi so với phương án kỹ thuật ban đầu…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những trung tâm y tế huyện cuối cùng trong cả nước chưa được kết nối vào hệ thống khám chữa bệnh từ xa đa phần là những huyện khó khăn.
Việc kết nối các huyện còn lại vào hệ thống Telehealth chỉ trong hơn hai ngày của VNPT và Viettel, theo Bộ trưởng Hùng, là “bởi vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận”.
Chuỗi giải pháp Y tế VNPT thực hiện thông điệp “5K + vắc-xin + công nghệ”
Trước hệ thống hội nghị truyền hình kết nối khám chữa bệnh từ xa, VNPT cũng chính là đơn vị xây dựng nên Hệ thống phòng dịch VNPT NCOVI-CDC nhằm hỗ trợ ngành Y tế – tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh.
Hệ thống NCOVI-CDC tiếp nhận thông tin khai báo của người dân trên ứng dụng NCOVI và tạo thành một hệ thống liên thông, cung cấp công cụ phục vụ quản lý cách ly người dân tại địa phương, kiểm soát tình trạng sức khỏe người dân tại các điểm kiểm soát.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm, VNPT sẽ luôn nỗ lực tham gia vào chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, bao gồm lĩnh vực y tế – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hiện nay NCOVI-CDC và ứng dụng NCOVI được triển khai trên 705 quận huyện và và gần 11.000 xã phường trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp. Theo đánh giá của các Sở Y tế, ứng dụng này đã giúp giảm thiểu sai sót trong việc giám sát cách li và truy vết người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhờ những ứng dụng rất thiết thực và hữu ích, mới đây, theo thông tin vừa được thông báo từ Bộ Y tế, Hệ thống quản lý thông tin COVID-19 (VNPT NCOVI-CDC) – hệ thống hỗ trợ ngành Y tế tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh đã vinh dự giành Giải thưởng Y tế thông minh 2020.
Là sản phẩm đạt giải Vàng của của hệ thống giải thưởng uy tín trên thế giới Stevie Awards Asia – Pacific 2021, giải pháp Bệnh án điện tử VNPT EMR có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.
Các quy định về giãn cách, hạn chế tiếp xúc nhưng vẫn đảm bảo mọi hoạt động thăm khám, sàn lọc và điều trị phải diễn ra nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả đã là tiền đề giúp VNPT EMR ghi dấu ấn với giải thưởng.
Cụ thể, VNPT EMR giúp triển khai Bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí.
Không dừng lại ở đó, hiểu rõ công tác khám bệnh từ xa có ý nghĩa lớn trong công tác phòng chống dịch, VNPT đã triển khai thành công ứng dụng VnCare.
VnCare tháo gỡ tất cả những khó khăn cho người dân trong việc thăm, khám, điều trị, nhất là trong thời gian giãn cách, người dân trong khu phong tỏa, cách ly bởi ứng dụng đặt lịch khám bệnh với CSYT, tư vấn từ xa qua video call, nhận kết quả khám, nhắc lịch uống thuốc định kỳ và thanh toán online ngay trên điện thoại di động.
Lần đầu tiên, thông qua ứng dụng VnCare, người dân đã tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh chóng mà không cần phải đến cơ sở y tế, chủ động tự sắp lịch khám bệnh, giảm tối đa việc đi lại, tránh bị lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế.
VnCare cũng giúp cả các cơ sở y tế giảm tải để tuyến đầu tập trung cho chống dịch, điều trị ca nặng. Với tất cả ý nghĩa đó, VnCare ghi dấu ấn tại giải thưởng IT World Adwards.